Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng ấn tượng: Kỳ vọng "bùng nổ"

Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu sang Trung Quốc và những con số ấn tượng

Theo số liệu của Bộ Công thương, 11 tháng qua, xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 56 tỷ USD, tăng 6,2%, là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường tỷ dân 99,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc 43,6 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng là nhờ thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, các doanh nghiệp từng bước nắm chắc các quy định mới của nhà nhập khẩu", Bộ Công thương đánh giá.

Đặc biệt, Trung Quốc cũng là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Cụ thể, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% 6 tháng đầu năm, sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng.

Trong khi xuất khẩu các thị trường lớn khác đều giảm. Cụ thể, EU giảm 8,1%, Hàn Quốc giảm 4%; Nhật Bản giảm 4,3%, ASEAN giảm 6,2%; riêng Hoa Kỳ giảm mạnh nhất 13,1% so với cùng kỳ.

Thời gian qua, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022); đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%.

Xu hướng thị trường - Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng ấn tượng: Kỳ vọng 'bùng nổ'

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc còn tiến xa

Theo báo Đầu Tư, thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc còn tiến xa, bởi quan hệ chính trị, ngoại giao song phương tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa các Bộ ngành và địa phương 2 nước, đặc biệt, Trung Quốc luôn là 1 trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của nước ta.

Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía bắc của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định đặc điểm này đã mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam, Trung Quốc (như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)….

Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao. Tại một số địa phương có các cửa khẩu biên giới quan trọng đối với thương mại song phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, lượng hàng hóa thông quan hàng ngày càng cải thiện.

Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của thị trường tỷ dân cực lớn, nhưng Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, các tiêu chuẩn của hàng hóa nhập khẩu tiếp tục được nâng lên, từ nông lâm thủy sản cho tới hàng công nghiệp như dệt may, giày dép...

Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa nước ta. Việc cạnh tranh hàng xuất khẩu ra các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ không dễ dàng, nhất là khi nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tại hội nghị giao ban thương vụ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ rõ: Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Việc cạnh tranh hàng xuất khẩu ra các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ cũng không dễ dàng. Mặt khác, nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì thế, chúng ta cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ và thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay thì mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.

Với vai trò và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung, tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Vương Văn Đào đã thống nhất một số vấn đề cần giải quyết và lĩnh vực trọng điểm cần tăng cường hợp tác, mục tiêu đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung phát triển theo hướng ổn định hơn, cân bằng và bền vững hơn.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục mở cửa cho nhiều loại nông sản của Việt Nam, sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam, hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc...

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Chính Phủ, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.

Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam.

Đáng chú ý, với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới với nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ tư của Trung Quốc, là nguồn cung chủ lực các mặt hàng như trái vải, thanh long, hạt điều... vào thị trường này.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Nổi bật có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với tháng trước như: gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5%; cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6%; cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9%... Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê...

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/xuat-khau-sang-trung-quoc-tang-an-tuong-ky-vong-bung-no-a29660.html