Đầu năm nay, Scott McIntosh nhận được mời kinh doanh từ TikTok - ứng dụng mạng xã hội thu hút 150 triệu người dùng ở Mỹ. Nền tảng đề nghị thanh toán phí vận chuyển, thậm chí giảm giá lên tới 30% để lôi kéo người bán.
Đáng nói ở đây, mức ưu đãi trên hấp dẫn hơn nhiều so với chính sách bán hàng trên Amazon hay Walmart. Scott McIntosh lúc này chỉ cần tạo các video quảng cáo sản phẩm hấp dẫn, đăng chúng lên TikTok và chờ khách hàng chốt đơn.
Kết quả, những chiếc giá đỡ điện thoại giá 30 USD của Scott McIntosh thu hút được 50 triệu lượt xem. Doanh thu kỷ lục 10.000 USD khiến anh vô cùng phấn khích, vội tăng thêm lượng hàng dự trữ trong kho.
“TikTok mới và vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, thật thú vị khi mọi người đều tham gia”, Scott McIntosh nói.
Nhờ những video ngắn hài hước, TikTok nhanh chóng nổi lên như một ‘vườn ươm’ cho các xu hướng tiêu dùng. Hàng triệu người dùng tò mò mua thử và đánh giá sản phẩm.
Theo Data.ai, người dùng TikTok ở Mỹ dành trung bình 33 giờ mỗi tháng cho nền tảng, trong khi với Amazon chỉ 1,4 giờ. Vào tháng 11, sự kiện Black Friday và Cyber Monday đã thu hút hơn 5 triệu khách hàng mới xuống tiền.
Tuy nhiên, Amazon chưa cần phải hoảng sợ. Nhiều người tìm thấy sản phẩm trên TikTok, song lại chọn mua chúng từ một nền tảng khác. Amazon có tận 173 triệu người đăng ký US Prime và đây đều là những khách hàng vô cùng trung thành. Thời gian giao hàng nhanh chóng đã giúp Amazon dành được lợi thế.
“Khách hàng muốn có nhiều lựa chọn, giá thấp và giao hàng nhanh”, Amazon cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó vào tháng 9, TikTok Shop chính thức ‘chào sân’ thị trường Mỹ. Như một phần của buổi ra mắt, TikTok giới thiệu rất nhiều tính năng nơi người bán có thể tìm thấy các giải pháp phần mềm từ bên thứ ba nhằm tăng doanh số bán hàng. Đây như một điểm đến mua sắm trọn gói với rất nhiều tiện ích, từ shopping trong nguồn cấp dữ liệu, livestream đến chương trình tiếp thị liên kết và thanh toán nhanh gọn.
Người Mỹ ngày càng thoải mái mua sắm trên các ứng dụng thương mại điện tử của Trung Quốc, chẳng hạn như Shein và Temu. Amazon cho đến nay vẫn là công ty thương mại điện tử thống trị, song thị phần tại Mỹ vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 38%, từ đó tạo điều kiện cho các đối thủ có cơ hội giành lấy khách hàng.
“Kỳ nghỉ lễ là cơ hội để TikTok thể hiện sức mạnh bền bỉ và thu hút nhiều thương nhân tham gia hơn”, Jenny Woo, đồng giám đốc điều hành của Ghost Agency, nói.
Chia sẻ với Bloomberg, khách hàng TikTok cho biết thuật toán trang web rất thần kỳ vì có thể đoán trước được điều họ muốn. Một số ví TikTok Shop như ‘chợ nông sản kỹ thuật số’ - nơi các trải nghiệm mua sắm không thể tìm thấy trên Amazon hay thậm chí là Etsy.
Carmel DeAmicis, 35 tuổi, mua hàng trên TikTok đầu tiên vào tháng 11. Hai áo crop top chỉ có giá chưa tới 10 USD/chiếc và cô gái này rất ngạc nhiên khi giao dịch diễn ra vô cùng dễ dàng, suôn sẻ.
“Với TikTok, tôi bị cuốn hút. Nó sẽ hút cạn tài khoản ngân hàng của tôi mất”, Carmel cười.
Patricia Jones, một người 38 tuổi đến từ Indianapolis, thì chủ yếu mua dụng cụ nhà bếp, lông mi, son bóng và áo tắm trên TikTok. “Công nghệ của họ biết bạn muốn gì và sẽ mua gì. Nó thu hút lắm”, Patricia Jones nói.
Hiện tại, TikTok chủ yếu thu hút các thương hiệu nhỏ lẻ bán những sản phẩm rẻ tiền phục vụ Thế hệ Z. Những tên tuổi lớn trong ngành cũng đang rón rén đi những bước chân đầu tiên, trong đó, công ty thực phẩm đóng gói khổng lồ Mondelez International Inc đang trong giai đoạn “thử nghiệm ban đầu” đối với bánh Oreo và Sour Patch dành cho trẻ em. Benefit Cosmetics thuộc sở hữu của tập đoàn xa xỉ LVMH cũng ra mắt loại mascara Fan Fest mới trên TikTok và đạt doanh số hơn 40.000 sản phẩm.
“Nhanh như tên lửa vậy. Chúng tôi đang cố gắng đáp ứng nhu cầu”, Toto Haba, phó chủ tịch cấp cao về tiếp thị đa kênh toàn cầu của Benefit cho biết.
Theo hồ sơ LinkedIn, TikTok đặt trụ sở hầu hết các hoạt động thương mại điện tử ở vùng ngoại ô Bellevue, sau đó tuyển dụng hàng trăm nhân viên cũ của Amazon. Nền tảng cũng đang tích cực nhắm mục tiêu vào bộ phận những thương nhân quá chán nản với chính sách thuế phí và quảng cáo trên trang thương mại điện tử. Ghost Agency cho biết việc tìm kiếm khách hàng mới trên TikTok có thể chỉ tốn 1/5 chi phí so với Amazon.
Wyze Labs có trụ sở tại Seattle đăng đều đặn 2 video mỗi ngày trên TikTok. Công việc quay dựng dù mất thời gian song doanh nghiệp này đã được đền đáp xứng đáng: 100.000 người theo dõi và 16.000 đơn đặt hàng sau chiến dịch giảm giá kéo dài 8 ngày.
“TikTok thay đổi cách chúng ta mua hàng. Nền tảng sẽ tạo ra con sóng thủy triều mới”, Logan Dunn, giám đốc thương mại điện tử của Wyze cho biết.
Từ trước đến nay, TikTok vẫn xem Mỹ là thị trường quan trọng. Vào tháng 11/2022, ứng dụng đã ra mắt tính năng mua sắm, đồng thời liên kết với một loạt cửa hàng nhỏ, content creator (người sáng tạo nội dung) và influencer (người có sức ảnh hưởng). Kế hoạch khi đó là triển khai một thị trường mua bán gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống để người tiêu dùng Mỹ có thể tự tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm ở một nơi.
Theo nhà sáng lập công ty tư vấn Momentum Works Jianggan Li, kế hoạch mở rộng sang thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ thu hút người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mà còn dành được “lợi thế to lớn cho chuỗi cung ứng”.
Dẫu vậy, sẽ không dễ để TikTok đạt được những mục tiêu trên dù cho đã sở hữu tới hơn 150 triệu người dùng tại Mỹ. Bước chân vào thị trường bán lẻ này đồng nghĩa với việc TikTok đang tự đặt mình vào thế khó khi phải đối đầu với “tay chơi lão làng” như Amazon hay “người đồng hương” Shein.
Theo: Bloomberg, BI