"Ông lớn" dệt may Trung Quốc sắp tuyển thêm 8.000 công nhân tại Củ Chi: Đầu tư 700 triệu USD, doanh thu hơn chục nghìn tỷ, lợi nhuận hàng nghìn tỷ

Worldon Việt Nam và Gain Lucky hoàn thành chuỗi sản xuất dệt may của Tập đoàn dệt may quốc tế Shenzhou tại Việt Nam. Chỉ tính 2 dự án dệt-may, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã rót hơn 700 triệu USD.

Theo thông tin trên Vnexpress, Liên đoàn lao động TP HCM cho biết các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ tham gia ngày hội kết nối việc làm tổ chức vào chủ nhật 17/12 tại Cung văn hóa lao động thành phố. Mỗi công ty tuyển từ vài trăm đến hàng nghìn công nhân.

Trong đó, Công ty TNHH Worldon Việt Nam ở Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) tuyển dụng mới gần 8.000 công nhân trong giai đoạn cuối năm 2023.

Worldon Việt Nam là doanh nghiệp tuyển số lượng lớn nhất trong làn sóng tuyển dụng trở lại của các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Trả lời Vnexpress, ông Zhou Gao Feng, Tổng giám đốc công ty, cho biết do đơn hàng ổn định nên ban giám đốc quyết định mở rộng xưởng sản xuất. Hiện nhà máy mới đi vào hoạt động nên cần số lượng lớn nhân sự.

Đã chi khoảng 700 triệu USD xây chuỗi sản xuất dệt may tại Việt Nam

Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) thành lập năm 2015, tọa lạc KCN Đông Nam, Xã Hoà Phú, Huyện Củ Chi, Tp.HCM với tổng diện tích 76 ha. Công ty chuyên gia công sản phẩm may mặc theo quy trình khép kín bao gồm các công đoạn như dệt, nhuộm, in, thêu, may.

2015 là năm Việt Nam đón đầu cơ hội thị trường khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, theo đó một loạt doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực sợi-dệt-nhuộm đầu tư vào. Lúc bấy giờ, Worldon Việt Nam là đơn vị đầu tư dự án lớn nhất trong lĩnh vực dệt may với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

Worldon được biết đến là một trong số thành viên thuộc Tập đoàn dệt may quốc tế Shenzhou, đã niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Shenzhou là nhà sản xuất các sản phẩm dệt kim hoàn chỉnh, từ công đoạn ban đầu gồm sợi, dệt vải, in hoa... đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo....

Trước đó, một thành viên khác của Shenzhou đã đầu tư vào Việt Nam là Công ty Gain Lucky với số vốn đăng ký là 50 triệu USD. Đơn vị này vận hành Nhà máy chuyên về sản xuất vải dệt kim (knitted fabric), móc (crochet fabric) và vải không dệt (non-woven fabric) có diện tích sàn lên tới 300.000 m2 trên khu đất rộng 83 ha tại tỉnh Tây Ninh.

Như vậy, bằng việc đầu tư nhà máy tại Củ Chi vào năm 2017 (đăng ký năm 2015 nhưng đến năm 2017 mới được thực hiện), Tập đoàn Shenzhou chính thức hoàn thiện chuỗi sản xuất của mình tại Việt Nam. Trong đó, Nhà máy Dệt vải Gain Lucky Việt Nam sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của Worldon Việt Nam.

1 dệt - 1 may, Shenzhou thu về đều đặn hàng ngàn tỷ lợi nhuận mỗi năm

"Ông lớn" dệt may Trung Quốc sắp tuyển thêm 8.000 công nhân tại Củ Chi: Đầu tư 700 triệu USD, doanh thu hơn chục nghìn tỷ, lợi nhuận hàng nghìn tỷ - Ảnh 1.

Giai đoạn 2018-2020, chỉ số kinh doanh của Worldon Việt Nam rất khả quan và tăng đều qua các năm. Trong đó, doanh thu Công ty đã tăng gấp đôi, từ mức 5.500 tỷ đồng (năm 2017) tăng lên hơn 13.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tương ứng, lợi nhuận Worldon Việt Nam cũng tăng mạnh qua các năm và chính thức vượt mốc 1.000 tỷ đồng chỉ sau 1 năm hoạt động (năm 2018). Năm 2020, Công ty thu về hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Ở diễn biến khác, Gain Lucky Việt Nam tỏ ra vượt trội hơn với doanh thu xấp xỉ mốc 20.000 tỷ đồng trong năm 2020, lợi nhuận “tăng vọt” lên 4.500 tỷ đồng, tương đương hiệu suất sinh lời 24%.

Đến nay, Shenzhou vẫn được đánh giá là Tập đoàn dệt may có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Chỉ tính 2 dự án trên, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc này đã rót hơn 700 triệu USD để hoàn thiện chuỗi sản xuất dệt may từ công đoạn sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng.

Trở lại với câu chuyện tuyển dụng, sau thời gian sa thải hàng loạt do suy thoái, tình hình tuyển dụng tại các khu công nghiệp theo ghi nhận đang dần ấm lên. Thông tin mới nhất được Liên đoàn lao động Tp.HCM cho biết, đã có hơn 80 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (trong đó có nhiều nhà máy dệt may, da giày) muốn tuyển khoảng 20.000 lao động dịp cuối năm.

Ngoài các công ty may, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất da giày cũng có nhu cầu tuyển dụng trở lại sau thời gian phải cắt lao động do đơn hàng sụt giảm.


Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ong-lon-det-may-trung-quoc-sap-tuyen-them-8000-cong-nhan-tai-cu-chi-dau-tu-700-trieu-usd-doanh-thu-hon-chuc-nghin-ty-loi-nhuan-hang-nghin-ty-a29979.html