Chủ tịch Vietnam Airlines: Chúng tôi đặt mục tiêu tham vọng là sẽ tự cân đối thu chi trong năm 2024

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết những rủi ro trong năm 2024 đã được nhìn thấy từ năm 2023 nhưng những cơ hội mới đang đến.

Ngày 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Thời điểm này đã gần hết năm 2023 nên các lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng đã có những chia sẻ sơ bộ về kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng trong năm 2024.

Nhận định về thị trường, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết thị trường vận tải hàng không trong năm 2024 về cơ bản sẽ phục hồi gần như hoàn toàn so với năm 2019. Tuy nhiên, thị trường Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa phục hồi như trước dịch.

Những rủi ro cho năm 2024 đều đã được nhìn thấy ở năm 2023, có thể kế đến một số khó khăn như nền kinh tế thế giới suy thoái. Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, giữa Isarel và Hamas... cũng gây ảnh hưởng đến ngành hàng không.

Vietnam Airlines cũng đang xây dựng các phương án kịch bản cho năm 2024. CEO của Vietnam Airlines cho biết công ty này dự kiến thị trường hàng không có thể sẽ đạt mức phục hồi 90% so với năm 2019 do sự phục hồi chậm của thị trường Đông Bắc Á.

Một tín hiệu tích cực được ông Lê Hồng Hà nêu ra trong cuộc họp là trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận về việc phát triển du lịch và mở thêm nhiều đường bay mới. Vietnam Airlines đánh giá đây là một cơ hội tốt và sẽ đánh giá theo dõi vấn đề này để điều chỉnh cung ứng và vận tải hàng không với thị trường quan trọng này. Song song với đó, hãng bay này cũng nhắm đến việc tiến vào thị trường Ấn Độ, một số địa điểm mới tại Châu Âu và Châu Mỹ để nâng cao hoạt động.

Về đội tàu bay, để đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao của khách hàng, Vietnam Airlines đang gấp rút tiến hành việc thuê ướt 4 máy bay trong giai đoạn đầu năm. Các kế hoạch về đội tàu bay vẫn đang được theo dõi để triển khai. Việc này theo ông Lê Hồng Hà chia sẻ, các hãng hàng không không thể tự quyết định được mà còn phụ thuộc vào các bên cho thuê và các nhà sản xuất máy bay. Dự kiến Vietnam Airlines sẽ nhận thêm hai máy bay Boeing 787-10 trong năm 2024 và còn nhận thêm ba máy bay A320neo vào nửa sau năm 2024. Doanh nghiệp này không chỉ thuê ướt mà lên cả phương án thuê khô, tùy thuộc theo diễn biến thị trường.

Đề án tổng thể tái cơ cấu Vietnam Airlines

Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm nhất lúc này của Vietnam Airlines đó chính là đề án tái cơ cấu tổng thể của hãng hàng không. Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT công ty, toàn bộ ngành hàng không thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Vietnam Airlines cũng ảnh hưởng nghiêm trọng nên chưa thể cân đối được thu chi trong giai đoạn 2020-2022.

Sang năm 2023 này, thị trường cũng đã bắt đầu tốt lên, kết quả kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể. Đó cũng là cơ sở để công ty xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể. Vietnam Airlines đã mất nhiều thời gian để xây dựng đề án này và báo cáo lên các cấp lãnh đạo, bộ ban ngành và Thủ tướng.

Nội dung đầu tiên của đề án đó là việc phát huy được nội lực của Vietnam Airlines. Về giải pháp nội lực, hãng sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn diện bao gồm cả tài sản, nguồn vốn, việc thoái vốn các đơn vị thành viên, tổ chức lao động để tinh gọn bộ máy và tái cơ cấu về đất đai cũng như phương án sử dụng đất. Ngoài ra, hãng cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu việc quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số.

"Vietnam Airlines vẫn đang trình các cấp có thẩm quyền về đề án nêu trên và hy vọng có thể có được sự phê duyệt sớm nhất của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngồi chờ Chính phủ phê duyệt mới làm mà có công tác gì triển khai được chúng tôi sẽ triển khai ngay", ông Đặng Ngọc Hòa cho biết

Chủ tịch Vietnam Airlines lấy ví dụ rằng hãng hàng không trong thời gian qua đã tích cực cắt giảm, tối ưu hóa chi phí và tinh gọn bộ máy hoạt động. Việc tiết kiệm này cũng đã đạt được những kết quả tích cực, giảm vài nghìn tỷ chi phí so với 2022. Hãng hàng không này cũng đang tìm phương án để thoái vốn khỏi một số đơn vị thành viên ví dụ như thoái vốn khỏi liên doanh K6 tại Campuchia.

Vietnam Airlines cũng đã mở ra những đường bay mới và tận dụng cơ hội gia tăng thị phần khi một số hãng máy bay bắt đầu giảm số lượng tàu bay của mình. Bên cạnh đó, công ty vẫn định hướng sẽ phát triển mạnh các đường bay quốc tế bằng việc mở thêm một loạt các đường bay quốc tế mới, tăng tần suất các đường bay hiện có trong năm 2024.

Về công tác tái cơ cấu tài sản, doanh nghiệp này đang triển khai việc bán một số tàu bay cũ, cho thuê lại máy bay, động cơ để cải thiện dòng tiền. Việc này, theo ông Đặng Ngọc Hòa, sẽ được thực hiện linh hoạt để đảm bảo cho đội bay của Vietnam Airlines vận hành trơn tru kể từ năm 2024 về sau.

"Năm 2024 sẽ là một năm nhiều biến động. Tuy nhiên, chúng tôi rất tham vọng, đưa ra nhiều giải pháp để tiến tới việc cân đối thu chi trong năm tới đây. Những giải pháp trong đề án tái cơ cấu vừa nêu trên sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa được mục tiêu trên. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và kết hợp với sự hỗ trợ của Chính phủ để đạt được mục tiêu đầy tham vọng như trên", ông Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/chu-tich-vietnam-airlines-chung-toi-dat-muc-tieu-tham-vong-la-se-tu-can-doi-thu-chi-trong-nam-2024-a30141.html