Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được Quốc hội thông qua mới đây sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 1-1-2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro hay 850 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm gần nhất sẽ bị đánh thuế 15%.
Bình Dương được đánh giá là "thủ phủ công nghiệp" của cả nước, hiện tỉnh này đang đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau TP HCM.
Theo thống kê, Bình Dương hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, với hơn 4.200 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký 40,3 tỉ USD, trong đó, khu vực châu Á chiếm trên 75% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Dương cho biết trong số hơn 4.200 doanh nghiệp FDI, sẽ có 44 doanh nghiệp FDI có khả năng chịu sự tác động của nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.
Việc này cũng đồng nghĩa là sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 2.000 tỉ đồng/năm. Đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu Euro không chịu sự tác động của nghị quyết và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư với mức thuế suất ưu đãi đang được hưởng.
Tại Bình Dương, các ông lớn đang chiếm tổng vốn đầu tư "khủng" và chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng từ việc áp dụng chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu có thể kể đến như Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam, có tổng vốn đăng ký là 1,37 tỉ USD; Công ty TNHH LEGO Việt Nam, tổng vốn đăng ký là 1,318 tỉ USD; Khu đô thị TOKYU Bình Dương, tổng vốn đăng ký là 1.2 tỉ USD; Nhà máy sản xuất giấy CHENG LOONG Bình Dương với tổng vốn đăng ký là 1.1 tỉ USD…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, coi đây là giải pháp trợ lực đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Người đứng đầu các cơ quan cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp liên quan. Hoạt động đối thoại, trao đổi với nhà đầu tư, doanh nghiệp cần đảm bảo thực chất, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn nội tại, cũng như thường xuyên, liên tục lắng nghe các phản ánh, góp ý. Từ đó, tổng hợp và đề xuất chính sách nhằm tiếp tục nâng cao vị thế tỉnh nhà trong khu vực và trên thế giới, là nơi để nhà đầu tư an tâm tiếp tục mở rộng sản xuất và cũng là nơi nhà đầu tư lựa chọn hàng đầu khi đến Việt Nam tìm hiểu môi trường, hợp tác kinh doanh.