Gặp nhiều khó khăn, các hãng hàng không Việt vẫn 'nô nức' đi thuê tàu bay mới chuẩn bị cho năm 2024

Số lượng tàu bay sẵn sàng hoạt động của các hãng hàng không Việt đều sụt giảm so với vụ cao điểm hè 2023.

Dù gặp nhiều khó khăn, các hãng hàng không Việt vẫn 'nô nức' đi thuê tàu bay mới chuẩn bị cho năm 2024 - Ảnh 1.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra ngày 16/12 của Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN), hãng hàng không này đã thông tin đến cổ đông về việc đầu tư cho đội tàu bay trong đợt cao điểm Tết sắp tới để đảm bảo phục vụ người dân. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc của hãng hàng không này Để đáp ứng nhu cầu vận tải cao điểm Tết sắp tới, công ty sẽ tiến hành lựa chọn thuê ướt đến 4 máy bay giai đoạn này (thuê ướt là thuê cả máy bay lẫn nhân lực phục vụ chuyến bay). 

Đồng thời, trong năm 2024, các phương án kế hoạch đội máy bay tiếp tục được Vietnam Airlines theo dõi và triển khai, không phải quyết định được từ hãng mà phụ thuộc vào bên cho thuê. Trong năm, Vietnam Airlines sẽ nhận thêm 2 máy bay Boeing 787-10, 3 chiếc Airbus A350. Vietnam Airlines sẽ thuê ướt, thuê khô máy bay và theo dõi thực tế diễn biến thị trường để điều hành chủ động trong năm 2024.

Trước đí, theo thông báo từ Vietnam Airlines, hãng hàng không này sẽ tăng gần 550 chuyến bay, nâng tổng số lên thành 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết từ ngày 25/1 đến 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng 12 năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

"Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM/ Hà Nội và Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang, Phú Yên, Phú Quốc...", Vietnam Airlines cho hay.

Tương tự, Bamboo Airways cũng thông báo thuê thêm 2 tàu bay Airbus A320/A321 và bổ sung vào đội tàu bay khai thác từ ngày 1/1/2024. Doanh nghiệp này cũng tăng trên 20% tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hãng hàng không này cũng tập trung tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội – TP HCM, giữa Hà Nội / TPHCM với Đà Nẵng và các đường bay địa phương có nhu cầu cao như TP HCM– Vinh/Thanh Hóa/ Hải Phòng. Ngoài ra, hãng cũng tăng cường các chuyến bay đêm trên đường bay TP HCM – Hà Nội/Vinh/Đà Nẵng với các mức giá linh hoạt, hấp dẫn.

"Việc thuê bổ sung thành công 2 tàu bay vào đội tàu bay khai thác từ ngày và tăng tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết khẳng định nỗ lực phục hồi của Bamboo Airways bằng những hành động cụ thể", đại diện Bamboo Airways chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bamboo Airways sẽ tiếp tục thuê thêm tàu bay A320/A321, nâng đội tàu bay khai thác lên 15 – 18 chiếc, tập trung củng cố mạng đường bay nội địa, kết hợp khai thác thuê chuyến quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Dù gặp nhiều khó khăn, các hãng hàng không Việt vẫn 'nô nức' đi thuê tàu bay mới chuẩn bị cho năm 2024 - Ảnh 2.

  Gặp nhiều khó khăn nhưng các hãng hàng không vẫn đầu tư mạnh cho đội tàu bay

Cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều đang gặp những khó khăn khác nhau nhưng cả hai hãng hàng không này vẫn tham vọng gia tăng số lượng trong đội tàu bay của mình để phục cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 tới đây. Về phía Bamboo Airways, hãng hàng không này đang trải qua một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ nhằm cân đối dòng tiền. Mới đây, theo chia sẻ của ông Lương Hoàng Nam, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã phải cắt giảm 2/3 đội bay và 80% mạng bay.

Cụ thể, hãng hàng không này đã trả lại 19 máy bay gồm 3 chiếc Boeing 787 cho các công ty thuê máy bay. Hiện đội bay của họ chỉ còn 10 máy bay, chủ yếu là Airbus và Embraer. Để cải thiện tính hiệu quả, hãng nhắm tới sẽ chỉ sử dụng máy bay Airbus.. Doanh nghiệp này cũng đã báo lỗ hơn 17.600 tỷ đồng trong năm 2022. 

 Còn về phía Vietnam Airlines, công ty vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ hơn 11.000 tỷ đồng. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp công ty này báo lỗ. Bên cạnh đó, số lỗ lũy kế của hãng hàng không này đã vượt 35.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng. Vì vậy, cổ phiếu của doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. 

Theo lý giải từ phía lãnh đạo của Vietnam Airlines, việc đại dịch bùng phát trong giai đoạn 2020-2022 đã khiến tổng công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nhiều mặt. Tuy nhìn thấy những khó khăn nhưng việc công ty có thể thực hiện được các giải pháp tháo gỡ cũng gặp không ít trục trặc. Doanh nghiệp này đã xây dựng lên đề án tái cơ cấu nhưng đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt hay gặp khó trong việc thanh lý tài sản, thoái vốn khỏi các đơn vị thành viên...

Dù gặp nhiều khó khăn, các hãng hàng không Việt vẫn 'nô nức' đi thuê tàu bay mới chuẩn bị cho năm 2024 - Ảnh 3.

Dù khó khăn là vậy tuy nhiên việc bổ sung máy bay trong thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết cho các hãng hàng không Việt Nam bởi một loạt nguyên nhân sau đây. Đầu tiên, theo số liệu từ Plane Potters, số lượng máy bay sẵn sàng hoạt động của các hãng tại Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2023 đều đã giảm mạnh so với hồi tháng 6. 

Dù gặp nhiều khó khăn, các hãng hàng không Việt vẫn 'nô nức' đi thuê tàu bay mới chuẩn bị cho năm 2024 - Ảnh 4.

Thứ hai, trong thời gian gần đây Prat Whitney - công ty Mỹ chuyên sản xuất động cơ máy bay sẽ tiến hành triệu hồi khoảng 3.000 động cơ máy bay A320Neo của các hãng bay trên thế giới vào năm 2024 để kiểm tra kỹ thuật. Đây là dòng máy bay ưa chuộng khai thác  tại Việt Nam nên điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đến đội tàu bay của Việt Nam. 

Ví dụ như tại Vietnam Airlines,ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc công ty này cho biết căn cứ vào thông tin từ Prat Whitney, Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay phải tháo động cơ xuống để kiểm tra nên sẽ ảnh hưởng khai thác.

"Bên cạnh đó, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên thời gian sửa chữa kéo dài. Trước đây, việc này thông thường mất khoảng 75-90 ngày nhưng hiện nay sẽ kéo dài lên khoảng hơn 200 ngày. Vietnam Airlines tiến hành quản trị thời gian đảm bảo động cơ được bảo dưỡng nhanh nhất đưa vào khai thác"- ông Hà nói.

Thứ ba là việc thị trường vận tải hàng không trong nước cũng như thế giới đã gần như phục hồi so với năm 2019. CEO của Vietnam Airlines cho biết trong cuộc họp ngày 16/12 rằng thị trường hàng không có thể sẽ đạt mức phục hồi 90% so với năm 2019 do sự phục hồi chậm của thị trường Đông Bắc Á.

Cuối cùng, việc mở một loạt những đường bay mới cũng là một nguyên nhân mà các hãng bay phải gia tăng nguồn lực cho đội bay. Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được nhiều thỏa thuận về việc phát triển du lịch và dự kiến mở thêm nhiều đường bay mới giữa hai quốc gia. Hãng hàng không này đánh giá đây là một cơ hội tốt và sẽ đánh giá theo dõi vấn đề này để điều chỉnh cung ứng và vận tải hàng không với thị trường quan trọng này. Song song với đó, hãng bay này cũng nhắm đến việc tiến vào thị trường Ấn Độ, một số địa điểm mới tại Châu Âu và Châu Mỹ. 

Không chỉ riêng Vietnam Airlines, các hãng hàng không khác cũng liên tục mở rộng đường bay mới. Đầu tháng 12, Vietjet Air thông báo mở khai trương đường bay thẳng tới Siem Reap (Campuchia). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn mở loạt đường bay quốc tế như TP.HCM - Thượng Hải (Trung Quốc), TP.HCM - Viêng Chăn (Lào), Hà Nội - Hong Kong, Phú Quốc với Đài Bắc (Đài Loan) và Busan (Hàn Quốc), TP.HCM - Adelaide và Perth (Australia).

Còn về phía Bamboo Airways và Vietravel Airlines, hai hãng không này sẽ không bay các chặng quốc tế mà hoàn toàn chỉ bay các tuyến trong nước. 


Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gap-nhieu-kho-khan-cac-hang-hang-khong-viet-van-no-nuc-di-thue-tau-bay-moi-chuan-bi-cho-nam-2024-a30275.html