Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng liên tục rao bán các tài sản thế chấp của doanh nghiệp (DN), từ khách sạn, nhà cổ, nhà xưởng, siêu xe đến dự án năng lượng để “thu hồi” các khoản nợ xấu tồn đọng.
Đặc biệt, những tháng cuối năm làn sóng phát mãi được thúc đẩy mạnh, dù nhà băng đã đại hạ giá nhưng tình hình chung vẫn “ế”. Trong đó, không ít khoản nợ này là của các DN lớn, đại gia có tiếng trên thương trường.
Đơn cử, Agribank - chi nhánh Trung Yên – đã thực hiện 6 lần đấu giá khoản nợ của các doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, song vẫn chưa thành.
Hay Agribank chi nhánh Tây Hồ cũng vừa thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Giải pháp năng lượng xanh Tiên Tiến. Giá trị ghi sổ khoản nợ tính đến ngày 22/11/2023 là gần 47,5 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu ngân hàng rao bán khoản nợ này. Tài sản đảm bảo là toàn bộ dây chuyền tự động hóa lắp ráp tấm Pin năng lượng mặt trời công suất 250MW/năm và thiết bị phụ trợ đi kèm theo hợp đồng mua bán nhập khẩu giữa CTCP Giải pháp Năng lượng xanh Tiên Tiến và Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Ưng Việt Thượng Hải.
Nhà băng này còn đã và đang “miệt mài” bán đấu giá khoản nợ được vay từ các năm 2000, 2003, 2005 và 2006 của Nông trường Sông Hậu. Giá trị ghi sổ khoản nợ này tạm tính đến ngày 30/3/2021 là 348,9 tỷ đồng. Trong khi mức giá khởi điểm mà Agribank đưa ra là 98,5 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ bằng với dư nợ gốc của Nông trường Sông Hậu.
Một “đại gia” khét tiếng cũng đang bị Agribank rao bán nợ là Nguyễn Lam Huy. Trong đó, Agribank vừa thông báo bán đấu giá tài sản (lần 1) là quyền sử dụng đất thửa đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với bất động sản có địa chỉ tại số 17/2 Trần Hưng Đạo, phường Minh An, Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Hay khoản nợ tại CTCP Khách sạn Bến du thuyền (Marina Hotel), Agribank đã đấu giá 4 lần. Tài sản bảo đảm là dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) - Khu B, tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, Tp.Nha Trang.
Dự án bao gồm 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36; tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại. Tất cả đều là những tài sản hình thành trong tương lai. Hợp đồng thế chấp được Agribank Chi nhánh Đống Đa và khách hàng ký ngày 16/10/2018. Agribank đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 948 tỷ đồng, giảm đáng kể so mức 1.145 tỷ đồng hồi tháng 9 vừa qua, tức hạ gần 200 tỷ đồng.
Cùng liên quan, trước đó VietinBank cũng từng rao bán khoản nợ có tài sản đảm bảo là dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng dư nợ tín dụng tại thời điểm rao bán (tháng 8/2022) là hơn 540 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất rộng gần 6.000m2 tại dự án xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch có thời hạn sử dụng đến năm 2064.
Gây chú ý hơn, Vietinbank còn bán đấu giá cả siêu xe McLaren 765LT Coupe 2 chỗ ngồi với giá khởi điểm hơn 27,5 tỷ đồng cho khoản nợ của bà C.T.L.P. Trước đó, hồi đầu tháng 10, ngân hàng đã ra thông báo thu giữ chiếc xe này. Theo đó, chiếc McLaren 765LT mang biển kiểm soát 51K-011.86, sản xuất năm 2021.
Được biết, dòng xe McLaren 765LT này có số lượng giới hạn chỉ 765 chiếc trên toàn thế giới. Do đó, được nhiều dân chơi xe săn đón. Ngoài chiếc McLaren 765LT trên, nhiều xe sang của "đại gia", từ Bentley, Rolls-Royce đến Porsche, Maybach cũng bị các nhà băng siết nợ trong thời gian gần đây.
Bên cạnh nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, một số ngân hàng TMCP cũng liên tiếp đưa ra bán các tài sản đảm bảo là bất động sản. Cụ thể, Ngân hàng Sacombank thông báo bán hàng loạt khoản nợ xấu có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó có các sản phẩm thuộc dự án căn hộ Xi Grand Court ở quận 10 (Tp.HCM) và tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (Bình Chánh, TPHCM). Đây là lần thứ 5 Sacombank đấu giá khoản nợ này. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 7.934 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ đồng (tương đương giảm 18%) so với thông báo đấu giá hồi tháng 8/2022. Tuy nhiên, so với dư nợ gốc, lãi, mức giá khởi điểm này chỉ bằng một nửa.
Kinh tế khó khăn, sức mua giảm và giá trị tài sản cũng giảm là những nguyên nhân khiến việc thu hồi nợ của nhà băng gặp khó. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với khoảng 70% tài sản đảm bảo là bất động sản, do đó việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Chưa kể, tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80-90% và lớn hơn nhiều lần tổng dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ.
Trong khi, mặt bằng giá bất động sản giảm khiến các tài sản thế chấp là bất động sản tại các nhà băng cũng bị hạ giá sau những lần định giá lại tài sản định kỳ, dẫn đến khó chồng khó cho tất cả các bên.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/9/2023 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đáng chú, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đến cuối tháng 9 đã tăng lên 2,89%, cao hơn nhiều so với mức ghi nhận vào cuối năm 2022 là (1,72%).