Một đại gia dệt may trên sàn phá kỷ lục doanh thu, giữ nguyên 18.000 lao động với lương 9,4 triệu đồng/tháng khi nhiều DN cùng ngành khó khăn

TNG chuyên cung cấp hàng may mặc cho các đối tác như Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vừa thông báo đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu năm 2023 với 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra, TNG còn cho biết đang duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9.4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động.

2023 có thể xem là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 dự kiến giảm 8% so với năm 2022, riêng ngành dệt may Việt Nam giảm 9,2%.

Doanh nghiệp theo đó đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lượng hàng hoá tồn kho lớn, nền công nghiệp dệt may chịu tác động lớn. “Thiếu đơn hàng, giá giảm mạnh, chi phí tăng, cạnh tranh gay gắt là những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt”, thông cáo từ TNG ghi nhận.

Phá kỷ lục doanh thu, giữ nguyên 18.000 lao động với lương 9,4 triệu đồng/tháng

Riêng TNG “ngược dòng” về đích trước thời hạn 16 ngày so với kế hoạch. Nhiều đơn vị thành viên của TNG như chi nhánh may Việt Đức, chi nhánh may Việt Thái, Chi nhánh may Phú Bình 1-2-3-4 cũng hoàn thành sớm kế hoạch doanh thu của năm.

Ban lãnh đạo TNG ước tính kết thúc năm 2023, doanh thu đạt 7.030 tỷ đồng vượt 3% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ, nằm trong số ít doanh nghiệp dệt may hoàn thành kế hoạch năm. Đây cũng là doanh thu cao kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp dệt may Thái Nguyên.

Với thành tích trên, trong khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí, TNG vẫn đang duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động.

Được biết, TNG chuyên cung cấp hàng may mặc cho các đối tác như Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas… đồng thời xuất khẩu bông phục vụ cho nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm jacket của các khách hàng đối tác sang thị trường Ấn Độ, Indo, Ethiopia.

Một đại gia dệt may trên sàn phá kỷ lục doanh thu, giữ nguyên 18.000 lao động với lương 9,4 triệu đồng/tháng khi nhiều DN cùng ngành khó khăn - Ảnh 1.

Thảm cảnh Garmex: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký

Ở chiều ngược lại, một DN dệt may khác là CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) đang rơi vào thảm cảnh: Từ 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký.

Tính đến quý 3 năm nay, GMC đã có chuỗi thua lỗ liên tiếp 5 quý, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2023 ghi nhận trên BCTC hợp nhất là 65,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến bức tranh kinh doanh của GMC giảm sút trầm trọng do hụt thu từ đối tác là CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL). 6 tháng đầu năm 2022, GMC có khoản thu gần 224 tỷ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex, nhưng cùng kỳ 2023 không có khoản thu này.

Đây có thể là hệ quả kéo theo sau lùm xùm Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn liên đới.

Về phần Gilimex, quý đầu năm công ty này báo lỗ lên tới gần 39 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử niêm yết. Cả năm 2023, Gilimex đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ - giảm 77% so với năm 2022.

Nguyên nhân dẫn đến kế hoạch kinh doanh sụt giảm này là do gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng.

Một đại gia dệt may trên sàn phá kỷ lục doanh thu, giữ nguyên 18.000 lao động với lương 9,4 triệu đồng/tháng khi nhiều DN cùng ngành khó khăn - Ảnh 2.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/mot-dai-gia-det-may-tren-san-pha-ky-luc-doanh-thu-giu-nguyen-18000-lao-dong-voi-luong-94-trieu-dongthang-khi-nhieu-dn-cung-nganh-kho-khan-a30525.html