Nên xem AI là “chìa khóa” tương lai thay vì những nỗi sợ mơ hồ

Hiểu rõ “bức tranh” toàn cảnh về sự phát triển cũng như tiềm năng của Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) sẽ giúp người dùng có cách tiếp cận công cụ này hiệu quả, tự tin làm chủ AI và tránh được những nỗi sợ hãi mơ hồ về loại trí thông minh này.

"Làn sóng" AI dâng cao

Ít ai biết rằng, khái niệm AI đã được nhen nhóm từ những năm 1950 bởi nhiều nhà khoa học, toán học và triết gia. Tuy nhiên rào cản lớn là thời điểm đó, máy tính chỉ có thể nhận lệnh và thực thi mà không thể nhớ chúng đã làm gì. Năm năm sau, dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Dartmouth (DSRPAI) do John McCarthy và Marvin Minsky tổ chức vào năm 1956 đã lần đầu tiên đưa khái niệm Trí tuệ nhân tạo (AI) đến với thế giới. Đáng tiếc, do không tìm được tiếng nói chung giữa các nhà khoa học nên AI vẫn chỉ dừng ở một cái tên.

Trong hai thập kỷ sau đó, AI phát triển mạnh mẽ với sự đầu tư của nhiều tổ chức chính phủ nhưng một lần nữa, việc máy tính thời đó không thể lưu trữ đủ thông tin và xử lý không đủ nhanh khiến giấc mơ AI vẫn chưa thể thành hình. Tuy nhiên, các phong trào nghiên cứu trong giai đoạn này đã truyền cảm hứng cho một thế hệ kỹ sư và nhà khoa học trẻ tài năng. Bước sang thập niên 90, với việc đương kim vô địch cờ vua thế giới và đại kiện tướng Gary Kasparov bị đánh bại bởi Deep Blue của IBM, một chương trình máy tính chơi cờ vua vào năm 1997, thế giới đã lần đầu tiên được chứng kiến khả năng và tiềm lực vô hạn của AI.

Đến nay, có thể nói chúng ta đang bước vào kỷ nguyên AI với cuộc chạy đua ở quy mô toàn cầu. Theo builtin.com, khoảng 44% các công ty trên thế giới đang tìm cách đầu tư nghiêm túc vào AI và gần 1/3 số bằng sáng chế trong năm 2021 liên quan đến AI. Trí tuệ nhân tạo giờ không còn là khái niệm mơ hồ mà vô cùng rõ nét, được hiểu đơn giản là quá trình mô phỏng trí tuệ con người thông qua máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính (theo chuyên trang TechTarget.com). Đây cũng là động lực chính của các công nghệ mới nổi như dữ liệu lớn, robot và IoT, các công cụ như ChatGPT…

Nên xem AI là “chìa khóa” tương lai thay vì những nỗi sợ mơ hồ - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, AI cũng đang có những bước tiến vượt bậc. Theo báo cáo về "Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ" do Oxford Insights thực hiện năm 2022, Việt Nam xếp hạng 55 trong tổng số 181 quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực ngân hàng của nước ta đang áp dụng mạnh mẽ AI trong việc định danh điện tử (eKYC) để xác thực, dùng AI chatbox để tư vấn cho khách hàng. Trong lĩnh vực y tế, VinBigData đã sử dụng AI (VinDr) để giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn. Mới đây nhất, một mô hình ngôn ngữ lớn mang tên PhởGPT, một phiên bản ChatGPT chuyên biệt cho người Việt ra đời cũng khiến cuộc đua AI tại Việt Nam nóng hơn bao giờ hết.

Những quan điểm trái chiều

Mặc dù AI đang ngày càng phổ biến và được dự báo sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai, xã hội vẫn còn không ít băn khoăn và lo lắng về công cụ này. Khảo sát của Viện Nhân loại Tương lai của Đại học Oxford (Anh Quốc) với 352 nhà nghiên cứu AI đã cho thấy nguy cơ Trí tuệ nhân tạo thay thế công việc của con người, đặc biệt là các nhóm ngành nghề liên quan đến viết, mã hóa, sáng tạo nội dung,... là hoàn toàn có thật.

Nên xem AI là “chìa khóa” tương lai thay vì những nỗi sợ mơ hồ - Ảnh 2.

Ngoài nỗi lo mất đi sinh kế vào tay AI, còn có không ít quan ngại liên quan đến lừa đảo thông qua deepfake (công nghệ sử dụng AI để tạo ra các video, hình ảnh giả mạo), phát tán tin tức giả làm ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị. Vào năm 2019, một công ty năng lượng đã bị lừa 243 nghìn USD bởi thủ đoạn giả mạo hình ảnh, giọng nói của lãnh đạo công ty, yêu cầu nhân viên chuyển tiền. Tổng thiệt hại trong các vụ lừa đảo deepfake trên thế giới trong năm 2022 đã lên đến 11 triệu USD.

Về phía người dùng phổ thông, bên cạnh hứng thú tương tác cùng các công cụ như ChatGPT, họ cũng có không ít lo lắng khi tiếp cận công cụ này. Trong đó phổ biến là nỗi lo vi phạm quyền riêng tư và lộ thông tin cá nhân hoặc thông tin nhạy cảm. Abhishek Gupta, sáng lập viên kiêm nhà nghiên cứu chính tại Montreal AI Ethics cho biết các mô hình ngôn ngữ lớn (AI tạo sinh) có thể được huấn luyện dựa trên các thông tin nhận dạng cá nhân và việc xác nhận hoặc yêu cầu xóa bỏ các thông tin này từ AI vô cùng phức tạp. Nhiều người dùng cũng lo lắng việc họ tương tác với các mô hình AI như ChatGPT thông qua các yêu cầu, câu hỏi có nội dung riêng tư có thể bị thu thập.

Phương thức sử dụng AI hiệu quả

Những nỗi băn khoăn kể trên của các chuyên gia lẫn người dùng có lẽ phải cần nhiều thời gian để kiểm chứng và giải quyết. Tuy nhiên trong bối cảnh AI đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có hai yếu tố cần được quan tâm nhất là cấu trúc AI cũng như tư duy, định hướng của các nhà phát triển.

Về cấu trúc AI, hiện đa số vẫn đang hoạt động trên các nền tảng đám mây, được người dùng tiếp cận thông qua Internet. Tuy nhiên trong tương lai, kiến trúc AI lai (Hybrid AI) – kết hợp giữa nền tảng đám mây với thiết bị phần cứng tích hợp AI (điện thoại thông minh, ô tô, máy tính cá nhân, thiết bị IoT...) sẽ được tận dụng. Hiện một số nhà sản xuất như Qualcomm với sản phẩm chipset Snapdragon hay Samsung với chip Exynos 2400 tối ưu hóa cho AI. Theo Samsung, con chip này có hiệu suất AI tăng 14,7 lần và cho phép tạo văn bản thành giọng nói một cách trơn tru nhất.

Nên xem AI là “chìa khóa” tương lai thay vì những nỗi sợ mơ hồ - Ảnh 3.

Samsung cũng là một trong những nhà sản xuất đi đầu trong việc phát triển mô hình AI lai. Tháng 11 vừa qua, hãng đã giới thiệu Galaxy AI - trải nghiệm AI di động toàn diện, được hỗ trợ bởi công nghệ AI tích hợp trên thiết bị phát triển bởi Samsung và AI dựa trên đám mây được hỗ trợ thông qua mối liên kết, hợp tác giữa Samsung với các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Một trong những tính năng thể hiện rõ sức mạnh của Galaxy AI chính là Cuộc Gọi AI Phiên Dịch Trực Tiếp (AI Live Translate Call), cho phép bản dịch âm thanh và văn bản xuất hiện trong thời gian thực khi bạn nói, giúp việc gọi cho người nói ngôn ngữ khác trở nên đơn giản như bật phụ đề một chương trình.

Ưu điểm chính của trúc AI lai là tiết kiệm chi phí hơn hẳn so với mô hình AI đám mây thông thường. Tùy thuộc vào độ phức tạp của truy vấn, AI lai có thể chọn chỉ chạy trên thiết bị hay phân bổ lên cả các nền tảng đám mây. Với các câu hỏi đơn giản, AI trên thiết bị có thể tự xử lý hoàn toàn. Theo Qualcomm, các mô hình AI hơn 1 tỷ tham số hiện đang chạy tốt trên smartphone với hiệu suất và độ chính xác tương tự như AI trên đám mây và sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu chạy mô hình 10 tỷ tham số trong tương lai gần.

Nếu cấu trúc AI lai là "chìa khóa" cho việc tối ưu hiệu suất và quyền riêng tư, thì định hướng phát triển AI của các nhà sản xuất cũng cần đi theo hướng trao quyền cho người dùng, giải quyết các nỗi lo về bảo mật để người dùng tự tin sử dụng thay vì e sợ công cụ này.

Việc các nhà sản xuất tầm cỡ, có hệ sinh thái sản phẩm đa dạng như Samsung cùng mối liên kết với các tập đoàn hàng đầu đang ngày càng có những động thái rõ ràng hơn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, người dùng có thể kỳ vọng vào một tương lai khi AI được khai thác một cách an toàn và tối ưu hơn trong kỷ nguyên mới của công nghệ di động.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nen-xem-ai-la-chia-khoa-tuong-lai-thay-vi-nhung-noi-so-mo-ho-a30989.html