Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất hàng Tết

Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, các nhà bán lẻ kỳ vọng sức mua và lượt khách sẽ tăng khoảng 20%-30% so với tháng bình thường và tăng 50% so với ngày thường. Chính vì vậy, các đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ mùa mua

Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, các nhà bán lẻ kỳ vọng sức mua và lượt khách sẽ tăng khoảng 20%-30% so với tháng bình thường và tăng 50% so với ngày thường. Chính vì vậy, các đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ mùa mua sắm Tết 2024 trị giá lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng 20%-50% tùy theo nhóm hàng.

Nhiều doanh nghiệp, chuỗi cung ứng bán lẻ đã bắt đầu tăng tốc sản xuất, tăng nguồn hàng dự trữ, tránh nguy cơ khan hiếm hàng khi mùa cao điểm mua sắm đang đến gần. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù còn nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nhưng dự tính, sức mua sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, hiện nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết dồi dào, giá cả không biến động nhiều. Thời điểm này, công ty đang liên tục chạy các chương trình khuyến mãi. Trong dịp Tết, mỗi ngày công ty sẽ cung cấp ra thị trường 1-1,5 triệu quả trứng vào thời gian cao điểm.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng cho biết, doanh nghiệp đã tuyển thêm lao động, tăng sản lượng sản xuất thực phẩm chế biến. Theo kế hoạch, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Vissan sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị đạt hơn 540 tỷ đồng. Đồng thời, công ty còn dự trữ từ 10-20% lượng hàng hóa để dự phòng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại từ 10-30% với nhiều sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ khách hàng mua sắm cuối năm.

Về phía đơn vị bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị đã dành hơn 10.000 tỷ đồng để dự trữ nguồn hàng, đảm bảo 800 điểm bán trên toàn quốc để không thiếu hàng dịp cao điểm cuối năm. Ngoài ra, những đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính chất độc đáo của từng địa phương cũng được đưa vào hệ thống để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định đơn vị sẽ ưu tiên dự trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, trứng gia cầm… Từ giữa tháng 12, Saigon Co.op đã mở màn chương trình khuyến mãi Tết của chuỗi siêu thị, cửa hàng bằng các hoạt động giảm giá trực tiếp với hơn 10.000 sản phẩm. Đặc biệt trong 10 ngày cận Tết, hệ thống siêu thị sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn, đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà.

Để bình ổn thị trường dịp cuối năm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã làm việc với 45 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và các doanh nghiệp đã cam kết dành 22.000 tỷ đồng để tăng tỷ lệ hàng dự trữ chuẩn bị cho cung ứng dịp Tết. Theo dự báo, sức mua vào dịp cận tết năm nay vẫn có thể duy trì ở mức tương đương năm trước và có thể tăng nhẹ nếu chương trình kích cầu tiêu dùng của các cơ quan chức năng phát huy hiệu quả tốt.

“Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hay những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết… đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng. Các đơn vị sẽ chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường”, ông Phương khẳng định.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/doanh-nghiep-tang-toc-san-xuat-hang-tet-a31014.html