"Đứng ở Nhà Thờ Đức Bà, thấy nóc tòa nhà nào thì đó là khách hàng của Thế Giới Giấy"
Xuất hiện đầu tiên trên Shark Tank Việt Nam tập 13, Mai Quốc Bình giới thiệu: "Em hay nói đùa, các Shark cứ đứng ở Nhà Thờ Đức Bà, nhìn thấy nóc của tòa nhà nào thì tòa nhà đó là khách hàng của Thế Giới Giấy. 14 năm vừa rồi, Thế Giới Giấy gần như không mất một khách hàng nào. Tỷ lệ khách hàng giới thiệu rất nhiều".
Thế Giới Giấy đã có nhà đầu tư Nhật rót vốn 1 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần từ cuối năm 2019, nay anh Bình lên Shark Tank muốn gọi vốn 1 triệu USD đổi lấy 6% cổ phần.
Bình chia sẻ, năm 2009, 2 ngày sau khi tốt nghiệp Đại học, anh bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giấy. Anh cho biết, sản phẩm của Thế Giới Giấy có nguồn gốc 100% bột giấy nguyên sinh, được nhập khẩu từ Indonesia và Brazil – hai nước có vùng nguyên liệu lớn nhất. Hai thương hiệu chủ lực, mang lại sự đột phá cho công ty là An Khang và Roto.
Mai Quốc Bình giới thiệu, Roto là sản phẩm giấy lau đa năng dai, không bở, gần như không có bụi, có thể sử dụng để lau mặt, lau tay, lau bếp, thấm dầu, chăm sóc em bé… Còn sản phẩm giấy cuộn lớn An Khang thì có thể tiết kiệm được 20% chi phí cho người sử dụng.
"Giờ hộp này mình bỏ vào, khóa lại thì sử dụng cả tuần, không lo ướt giấy, không lo mất giấy, giảm nhân công thay giấy và đặc biệt giảm được lõi, bao bì để bảo vệ môi trường", Bình 'giấy' chia sẻ.
Sản phẩm của Thế Giới Giấy được phân phối chủ yếu qua kênh B2B (Business to Business – Doanh nghiệp bán hàng cho Doanh nghiệp). Sau hơn 14 năm, công ty đã có hơn 18.000 khách hàng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và có hơn 20 triệu người sử dụng sản phẩm mỗi ngày.
Trên website chính thức, Thế Giới Giấy cho biết các khách hàng lớn của đơn vị này gồm các tập đoàn, tòa nhà khách sạn, bệnh viện và các cửa hàng F&B. Những cái tên khách hàng tiêu biểu gồm Unilever, FPT, Vinhomes, Trung Nguyên, The Coffee House...
Thuyết trình bằng cách giật từng tờ giấy A0 ghi các chỉ số tài chính, Bình cho biết doanh nghiệp của anh có vốn chủ sở hữu là 50 tỷ, tổng tài sản là 140 tỷ, hiện đang vay 50 tỷ và phi phí khấu hao duy nhất còn lại là nhà máy. Về cơ cấu cổ đông, Mai Quốc Bình nắm 70%, vợ anh nắm 20% và 10% còn lại thuộc về một nhà đầu tư Nhật Bản.
Người Nhật kéo hết đoàn này đến đoàn khác qua thăm suốt 3 năm, CEO phải tuyên bố "Nếu không hợp tác thì ngưng" mới chốt deal
Chia sẻ thêm về các nhà đầu tư vòng trước, Bình cho biết các nhà đầu tư Nhật rất giỏi về tối ưu sản phẩm, nhờ họ giúp mà Thế Giới Giấy đã tối ưu nhiều về giá thành, cải tiến mẫu mã, gần như sản phẩm cuộn lớn tạo ra sự đột phá so với các sản phẩm đã có trên thị trường.
"Họ đi cùng từ năm 2017 đến cuối 2019, họ cứ qua đoàn này rồi đoàn khác. Đoàn nào cũng chỉ nói 1 câu 'Nếu chúng ta hợp tác thì…'. Đến tháng 9/2019, lúc đó tôi mới nói "Thì cái gì thì mấy ông nói luôn đi. Tôi thấy mất thời gian quá, tiếc tiền máy bay và khách sạn của mấy ông quá. Giờ đến 30/9 nếu các ông ko chốt deal thì chúng tôi ngưng'".
"Lúc ấy họ mới chạy thật nhanh, đến 31/12 thì hai bên ký được hợp đồng. Tháng 3/2020 đã giải ngân", anh Bình kể.
Về các chỉ số kinh doanh, Thế Giới Giấy đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% mỗi năm trong vòng 5 - 6 năm qua. Năm 2022, doanh số của công ty là 265 tỷ. 10 tháng đầu năm 2023, doanh số là 250 tỷ và EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) là 12%. Dự kiến năm 2024 doanh số của Thế Giới Giấy sẽ đạt 450 tỷ, năm 2025 đạt 800 tỷ và lộ trình đến năm 2028 sẽ IPO.
Phân tích về khả năng đột phá tăng trưởng 200% trong 2 năm tới, Bình 'giấy' cho biết năm 2022 Thế Giới Giấy bắt đầu phát triển ở thị trường tỉnh thông qua các key account (khách hàng quan trọng có tiềm năng mua sản phẩm với số lượng lớn). Sau khoảng nửa năm, doanh số mỗi chi nhánh đạt khoảng 500 – 600 triệu/tháng. Cá biệt có chi nhánh tỉnh Kiên Giang mang lại doanh số 1 tỷ/tháng. Nhận thấy đây là cơ hội để Thế Giới Giấy phát triển đột phá, Mai Quốc Bình đến Shark Tank Việt Nam tìm kiếm một nguồn lực mạnh mẽ hơn về tài chính, đặc biệt là tư duy quản trị, tài chính, chiến lược để đi cùng công ty.
Shark Hưng, Shark Hùng Anh, Shark Bình là 3 nhà đầu tư có hứng thú với Thế Giới Giấy.
Ra deal dựa trên 'cái mà startup đang có', Shark Hưng định giá Thế Giới Giấy bằng 3 lần ebitda hoặc 5 lần earning (doanh thu), tương ứng mới mức cổ phần 18% cho 1 triệu USD.
Với khẩu vị đầu tư vào doanh nghiệp có sự phát triển ổn định, Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần, bằng định giá của Thế Giới Giấy ở vòng gọi vốn trước.
Về phía Shark Bình, ông cũng đưa ra đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần kèm điều kiện về advisory shares (cổ phần cố vấn) khi NextTech đang sở hữu một loạt lợi thế như thuận tiện hỗ trợ startup hơn so với nhà đầu tư Nhật, có các nền tảng công nghệ phục vụ bán hàng M2C, bán hàng online (trực tuyến).
Sau khi đàm phán, Shark Bình và Thế Giới Giấy đạt được thỏa thuận đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 8% cổ phần kèm điều kiện Shark có thể tăng số tiền đầu tư để tăng tỷ lệ sở hữu và có advisory shares.