Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023. So với BCTC hợp nhất tự lập, doanh thu và khoản lỗ của hãng hàng hàng không trong 6 tháng đầu năm 2023 không có nhiều sự thay đổi.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đã tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, giảm lỗ gần 4.000 tỷ đồng so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái. Theo công văn giải trình, nguyên nhân giảm lỗ chủ yếu do công ty mẹ giảm lỗ và các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023.
Riêng về BCTC của công ty mẹ, Tổng doanh thu và thu nhập khác tăng mạnh 58,3% so với 06 tháng đầu năm 2022 (tăng hơn 12.308 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 60,2%, tương đương tăng hơn 12.402,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (doanh thu nội địa tăng 12,5%, doanh thu quốc tế tăng 313,2%) so với cùng kỳ do thị trường đã từng bước phục hồi.
Tổng chi phí 6 tháng đầu năm 2023 của công ty mẹ tăng 34,3% tương đương tăng 8.832 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do chi phí nhiên liệu và chi phí tài chính (chi chênh lệch tỷ giá) tăng. Tốc độ tổng doanh thu và thu nhập khác tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm lỗ được hơn 3.478,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lỗ sau thuế của công ty mẹ sau soát xét giảm 10,76% (giảm lỗ 142 tỷ đồng), do điều chỉnh giảm chi phí lương khoảng 200 tỷ sau khi cập nhật sản lượng thực tế, cân nhắc đến xu hướng tăng trưởng cuối năm để dự tính quỹ lương 6 tháng 2023 phù hợp với quỹ lương cả năm 2023.
Ngoài ra, số liệu công ty mẹ thay đổi do cập nhật dự tính chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí phục vụ chuyến bay và doanh thu dịch vụ theo hóa đơn thực nhận.
Tính đến hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại buổi tổng kết 2023 và kế hoạch 2024 của Bộ Giao thông Vận tải, ông Đặng Ngọc Hoà – Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines cho biết, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn khi yếu tố đầu vào quan trọng diễn biến bất lợi. Giá nhiên liệu bay vẫn ở mức cao, bình quân cả năm khoảng 105 USD/thùng, làm chi phí của các hãng hàng không tăng nhiều nghìn nghìn tỷ đồng so với năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng diễn biến bất lợi khi các đồng tiền thu chính là VNA, JPY, KRW mất giá so với đồng tiền chi chính là USD.
Trong năm 2023, phục hồi thị trường hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam diễn ra khá tích cực. Tuy nhiên nhìn chung tốc độ phục hồi ở các tháng cuối năm đang diễn biến chậm hơn so dự kiến, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á. Tính chung trong năm 2023, khách tổng thị trường ước đạt 30 triệu lượt khách, đạt xấp xỉ 74% so 2019.
Đối với nội địa, mặc dù quý 1/2024 có sự phục hồi rất tốt và tăng trưởng mạnh tnhưng do ảnh hưởng các vấn đề kinh tế vĩ mô trong nước, thị trường chững lại ngay ở trong cao điểm Hè và yếu dần trong các tháng thấp điểm. Tính chung trong cả năm 2023, khách tổng thị trường nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 7,5% so 2019.
Theo Chủ tịch Vietnam Airines, bước sang năm 2024, tình hình kinh tế - chính trị thế giới được nhận định vẫn còn tiếp tục khó khăn. Các xung đột chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là yếu tố giá nhiên liệu. Ngoài ra, Mỹ duy trì chính sách lãi suất cao, ảnh hưởng đến tỷ giá các đồng ngoại tệ và làm cho chi phí đầu vào tăng cao. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không.
Đối với nhu cầu đi lại của hành khách, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến cần thêm thời gian để phục hồi, đặc biệt khu vực Đông Bắc Á được nhận định chưa thể phục hồi hoàn toàn trong 2024 do tình hình kinh tế, lạm phát và mất giá đồng tiền.
Trong nước, do ảnh hưởng vấn đề nguồn lực của các hãng HKVN, thị trường dự kiến khó đạt mức tăng trưởng so với năm 2023.
Vietnam Airlines cũng nhận diện rõ các khó khăn trong năm tới khi thị thị trường hàng không quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, các rủi ro lớn về tỷ giá và giá nhiên liệu, lãi suất cao. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong thời gian tới là vấn đề động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO sẽ gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch.
Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ sớm thông qua đề án tái cơ cấu toàn diện của tổng công ty cũng như chấp thuận về cơ chế giao hãng hàng không này là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.