Kinh tế tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra sáng 4/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm đã tạo niềm tin và nền tảng để tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng kinh tế tích cực

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của cả 3 khu vực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cung cấp thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra sáng cùng ngày. Ảnh: GVP.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng 4, bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Thu NSNN ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7%. Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. 

An ninh lương thực được bảo đảm; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 5 ổn định và có phần tăng trưởng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. 

Cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ.

Khởi sự doanh nghiệp tiếp tục nở rộ; trong 5 tháng có gần 100.000 DN thành lập mới và quay trở lại thị trường, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút rui.

Bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người. Gói hỗ trợ của Chính phủ đạt trên 81 nghìn tỷ đồng cho gần 729.000 lượt người sử dụng lao động và gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác theo Nghị quyết số 68, 126, 116; QĐ số 23, 28.

Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước trở lại bình thường. Đặc biệt, SEA Games 31 được tổ chức chu đáo, an toàn, thành công trên nhiều mặt, đoàn Việt Nam dẫn đầu các nước và phá kỷ lục về số lượng huy chương vàng.

Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế diễn ra sôi động, hiệu quả với nhiều đề xuất phù hợp, thể hiện chính kiến của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các cơ quan vào cuộc tích cực, tăng cường xử lý các vụ án về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối và ứng dụng hiệu quả.

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về dự báo tăng trưởng kinh tế, chỉ số phục hồi Covid-19, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, về chỉ số thu hút đầu tư, chỉ số hài lòng đối với các dịch vụ công...

Theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19. AMRO+3 đánh giá nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng ở mức 6,3% năm 2022 và 6,5% năm 2023; ADB và BIDV dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt 5,5 - 6% và sẽ cao hơn trong năm sau.

Kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng, dầu

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã làm rõ những vấn đề mà báo chí và dư luận xã hội quan tâm. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước diễn biến của tình hình giá xăng dầu tăng liên tục và tăng ở mức cao, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán theo Nghị định số 83 và Nghị định số 95 sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 83 trong điều hành giá xăng dầu, nhằm mang lại những thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân và doanh nghiệp, với 3 biện pháp nhằm kiềm chế tối đa nhất mức tăng của giá xăng, dầu: Thứ nhất, sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: VGP.

Vừa qua, giá bình quân một số mặt hàng xăng, dầu thế giới tại thị trường Singapore từ đầu năm đến 1/6 tăng 45,6-63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý những công cụ bình ổn giá, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29 - 47,89%. Rõ ràng mức tăng giá xăng, dầu của Việt Nam thấp hơn mức tăng của thế giới.

Thứ hai, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng, dầu. Ví dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Bộ Công thương đề xuất và Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022, có hiệu lực đến hết năm nay.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu.

Thứ ba, muốn giảm được mức tăng giá xăng, dầu không phải chỉ phụ thuộc vào Bộ Công thương và Bộ Tài chính, còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, các chính sách thuế đang áp dụng với xăng, dầu hiện nay bảo đảm phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới, gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn tại cuộc họp báo. Ảnh: VGP.

Trung bình các nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu chiếm khoảng 45 - 60%, trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn. Tại Việt Nam, sau khi có chính sách về giảm thuế, tỉ trọng thuế với xăng khoảng 29 - 31%, với dầu diesel khoảng 13,3%. Thuế và lệ phí không quy định thu trên xăng, dầu. Cho thấy, thuế với xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.

Về thuế bảo vệ môi trường, trong năm 2021-2022, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn có mức giảm 50 - 70% để hỗ trợ giảm giá xăng, dầu.

Hiện tại, trong bối cảnh giá xăng, dầu lên cao, ngày 21/4 Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành báo cáo Chính phủ về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hoá các nguồn cung xăng dầu.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/kinh-te-tiep-tuc-phuc-hoi-nhanh-phat-trien-ben-vung-a3190.html