"Tổ chức Kingsman" Nón Sơn vừa có "vũ khí" mới, chỉ vài giọt nước có thể phân biệt hàng giả

Cùng với sự nổi tiếng của một thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy, Nón Sơn cũng phải đối diện với vấn nạn hàng giả, hàng nhái hàng chục năm nay.

Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển kể từ năm 1996, tháng 10 vừa qua, Nón Sơn đã giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới, với túi giấy và tem nhãn sản phẩm mới. Điểm đặc biệt của bộ nhận diện thương hiệu mới này nhằm một mục đích quan trọng là chống lại hàng giả, hàng nhái - vấn nạn khiến doanh nghiệp "đau đầu" hàng chục năm nay. 

Vũ khí mới của Nón Sơn nằm ở mã QR code đặc biệt. Theo đó, sau khi khách hàng quét mã QR trên tem nhãn sản phẩm Nón Sơn, có thể nhỏ một lượng nước vừa đủ lên khung hồng ở vị trí dưới mã QR, vài giây sau sẽ xuất hiện chữ hàng thật. Sau khi khô, chữ này sẽ biến mất.

"Tổ chức Kingsman" Nón Sơn vừa có "vũ khí" mới, chỉ vài giọt nước có thể phân biệt hàng giả - Ảnh 1.

Nguồn: Nón Sơn

Là một thương hiệu mũ nón với hệ thống các cửa hàng đặt tại các điểm ngã ba, ngã tư đông đúc với logo màu hồng nổi bật, Nón Sơn còn được cư dân mạng liên tưởng một cách vui vẻ với tổ chức Kingsman của nước Anh vì sự "bí ẩn" xoay quanh hoạt động kinh doanh.

Từ trước tới nay, đại diện của Nón Sơn vốn kín tiếng trước truyền thông. Họ chỉ chia sẻ nhiều những câu chuyện về cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống hàng giả, hàng nhái. Cùng với sự nổi tiếng và tin dùng của khách hàng, Nón Sơn phải đối diện với vấn nạn nhức nhối về hàng giả, hàng nhái.

Theo bài viết trên báo CAND, chỉ trong vòng một năm tính đến tháng 01/2022, đã có hơn 30 ngàn cây vải giả thương hiệu Nón Sơn và hơn 121 ngàn sản phẩm giả mạo bị thu giữ. Những sản phẩm giả, nhái được bán với giá rẻ hơn rất nhiều, trong khi để làm một chiếc MBH sơn mài của Nón Sơn hiện có giá đến 10 triệu đồng, họa sĩ chỉ vẽ được 2 cái/1 tháng. Đó là chưa kể toàn bộ nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm tại Nón Sơn đều được nhập khẩu.

"Tổ chức Kingsman" Nón Sơn vừa có "vũ khí" mới, chỉ vài giọt nước có thể phân biệt hàng giả - Ảnh 2.

Tang vật Nón Sơn làm giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Nguồn ảnh: Tổng cục quản lý thị trường.

Những sự việc phát hiện các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn nhiều năm qua diễn ra khá rầm rộ. Ít thì vài trăm chiếc, nhiều thì vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn chiếc. Có những nơi còn đầu tư nguyên cả máy móc thiết bị hiện đại để làm ra sản phẩm “nhái” nhãn hiệu Nón Sơn.

Thậm chí, tại một cơ sở làm giả Nón Sơn bị công an TPHCM phát hiện, có thể “xuất” ra thị trường 4 đến 5 ngàn MBH giả nhãn hiệu Nón Sơn. Được biết, tổng giá trị hàng hóa bị tạm giữ tại cơ sở nói trên lên đến hàng chục tỷ đồng.

Việc bị làm giả, làm nhái không chỉ khiến Nón Sơn thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng thương hiệu và lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp. Vì vậy, Nón Sơn luôn rất quyết liệt trong cuộc chiến phòng, chống hàng giả.

Bên cạnh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện ra các đường dây sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả nhãn hiệu Nón Sơn, trong công ty còn có những "điệp viên" chuyên làm nhiệm vụ đặc biệt nhằm lần tìm ra tận “hang ổ” của các đối tượng làm giả. Từ đó sẽ cùng với lực lượng Công an điều tra, xử lý đến cùng.

Trên website của thương hiệu có chia sẻ nhiều đường dẫn liên quan đến kết quả xét xử các vụ án làm giả Nón Sơn. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có 3 vụ án làm giả Nón Sơn được đưa ra xét xử. Ngày 6/3, 3 bị cáo lãnh tổng 22 năm tù; ngày 10/7, một bị cáo nhận hình phạt 18 tháng cải tạo, đều vì hành vi làm giả thương hiệu Nón Sơn.

Gần đây nhất, ngày 29/8, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đối với 6 bị cáo về tội sản xuất, mua bán nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn. Theo đó, bị cáo bị kết án cao nhất lên tới 6 năm tù, đồng thời các bị cáo nhận hình phạt bổ sung mỗi người 20-30 triệu đồng.

Năm 1995, lần tìm mãi không mua được một chiếc nón đi biển ưng ý cho vợ, ông Trần Anh Sơn và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh mũ nón thời trang. Trong những năm đầu, họ nhập hàng ở tất cả các nước mang về bán. Dần dần, với sẵn năng khiếu về thẩm mỹ và kinh nghiệm, họ đã đầu tư vào sản xuất và xây dựng thương hiệu Nón Sơn trở thành một thương hiệu được ưa thích trên thị trường.

Ngày 28/3/1996, cửa hàng chuyên bán nón thời trang đầu tiên tại TPHCM và Việt Nam ra đời tại đường Hai Bà Trưng, TPHCM. Từ điểm bán đầu tiên đến nay Nón Sơn đã có khoảng hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó có khoảng 30% đặt tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/to-chuc-kingsman-non-son-vua-co-vu-khi-moi-chi-vai-giot-nuoc-co-the-phan-biet-hang-gia-a32257.html