Chi tiết thương vụ nghìn tỷ liên quan loạt đại gia, quan chức vừa bị bắt

Nguyễn Cao Trí mua công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh giá 5.000 tỷ đồng, bán lại cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho Trí tổng cộng 20 triệu USD nhưng sau khi Lan bị bắt, Trí dùng thủ đoạn chiếm đoạt.

Ngày 2/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Hiệp về tội “Nhận hối lộ". Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Vụ án này được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - đã có hành vi “Nhận hối lộ” liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng (Dự án do công ty của đại gia Nguyễn Cao Trí làm chủ đầu tư). Hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Mua lúc dự án bị đề nghị thu hồi

Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh có trụ sở tại số 9 đường Đống Đa, phường 3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 5800870795 do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 7/1/2010.

Bà Phan Thị Hoa làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc và là người đại diện pháp luật Sài Gòn Đại Ninh. Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập, gồm: Công ty TNHH Thương mại Phương Nam góp 273 tỷ đồng; Trần Xuân Diễm, Đào Thúy Hằng, Phan Văn Đức mỗi người góp 6 tỷ đồng; Nguyễn Văn Lam, Trần Tấn Công, Trần Hồng Thắng mỗi người góp 3 tỷ đồng. Đến ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Chi tiết thương vụ nghìn tỷ liên quan loạt đại gia, quan chức vừa bị bắt - Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Từ khi thành lập đến nay, Sài Gòn Đại Ninh chỉ được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án Khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh rộng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, sau 13 năm chấp thuận đầu tư, Sài Gòn Đại Ninh mới xây dựng được 15 nhà làm việc của chuyên gia dạng chòi dở dang, 1 hội trường chưa hoàn thiện, 6 trạm dừng chân và khoảng 20 km đường nội bộ. Kinh phí thực hiện các hạng mục này khoảng 2.000 tỷ đồng, con số rất khiêm tốn so với tổng mức vốn đầu tư đăng ký của dự án là hơn 25.000 tỷ đồng.

Dự án chậm tiến độ và có nhiều sai phạm, tháng 6/2020 Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án.

Đến ngày 2/12/2020, bà Phan Thị Hoa thỏa thuận với Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella, Sài Gòn Đại Ninh - ký hợp đồng bán 100% Vốn điều lệ cho Công ty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group (công ty con của Tập đoàn Capella) với giá 5.000 tỷ đồng.

Sau đó, Nguyễn Cao Trí dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty con của Tập đoàn Capella) đứng tên mua lại. Vào các ngày 28/12/2020 và 5/2/2021, Công ty Capella Hospitality đã thanh toán tổng số tiền 1.530 tỷ đồng để mua 51% Vốn điều lệ.

Đến ngày 30/9/2022, Nguyễn Cao Trí nhờ em trai là Nguyễn Cao Đức đứng tên mua thêm 7% vốn điều lệ của cá nhân của bà Phan Thị Hoa và thanh toán số tiền 700 tỷ đồng. Tổng cộng, Nguyễn Cao Trí đã sở hữu 58% vốn điều lệ và đã thanh toán cho bà Phan Thị Hoa 2.230 tỷ đồng. Nguồn tiền thanh toán là tiền nội bộ của Công ty Capella và vay tại Sacombank.

Sau khi thanh toán tiền mua 58% vốn điều lệ, ngày 28/1/2021, Sài Gòn Đại Ninh đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí.

Chi tiết thương vụ nghìn tỷ liên quan loạt đại gia, quan chức vừa bị bắt - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Cao Trí bán cho Trương Mỹ Lan 100% vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Ảnh: Znews.

Sau khi mua cổ phần Sài Gòn Đại Ninh, Nguyễn Cao Trí bán cho Trương Mỹ Lan 100% vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho Trí tổng cộng 20 triệu USD.

Bán thêm 2 dự án khác

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, do Nguyễn Cao Trí quen biết với Trương Mỹ Lan nên từ năm 2017 - 2020, Trương Mỹ Lan đã hợp tác đầu tư một số dự án, mua cổ phần một số công ty của Trí. Theo thỏa thuận, ông Trí đã nhiều lần nhận tiền của Trương Mỹ Lan thông qua những người giúp việc của bà Lan, tổng cộng 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Nguyễn Cao Trí và Trương Mỹ Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp (mã chứng khoán: IRC) với giá 45 triệu USD. Bà Lan đã thanh toán cho ông Trí số tiền hơn 21 triệu USD để mua 31,22% vốn điều lệ Trí đang sở hữu.

Do cổ phần Công ty Cao su Công nghiệp chưa được chuyển nhượng trong vòng 5 năm nên ông Trí và bà Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư và để Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của Trương Mỹ Lan) đứng tên trên hợp đồng.

Sau đó, Trương Mỹ Lan thỏa thuận với Nguyễn Cao Trí mua 100% Vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Trí và bà Lan còn thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí và bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí tổng cộng 9,5 triệu USD.

Do nhận nhiều khoản tiền nhưng không có giấy tờ, biên nhận nên đến tháng 1/2021, Nguyễn Cao Trí gặp Trương Mỹ Lan chốt các khoản đầu tư mà Trí nhận của Lan tổng cộng là 1.000 tỷ đồng, gồm 3 khoản đầu tư trên. Để đảm bảo tín nhiệm cho 1.000 tỷ đồng, Trí thống nhất chuyển nhượng cho Trương Mỹ Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.

Ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam. Đến ngày 21 - 22/10/2022, ông Trí chỉ đạo cho trợ lý Bùi Anh Tuấn soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với Trương Mỹ Lan.

Chi tiết thương vụ nghìn tỷ liên quan loạt đại gia, quan chức vừa bị bắt - Ảnh 3.

Bà Trương Mỹ Lan đã đầu tư, mua cổ phần tại 3 dự án với Nguyễn Cao Trí trong giai đoạn 2017 - 2020.

Ngày 23/10/2022, Nguyễn Cao Trí hẹn gặp Hồ Quốc Minh tại quán cà phê trong sân bay Tân Sơn Nhất (trước khi Minh đi nước ngoài chữa bệnh) yêu cầu Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư hơn 31% vốn điều lệ Công ty CP Cao su Công nghiệp (mã chứng khoán: IRC).

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nguyễn Cao Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng, không trao đổi với bà Lan nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của Trương Mỹ Lan.

Quá trình làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an từ ngày 26/12/2022 - 15/1/2023, Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan.

Tuy nhiên, căn cứ tài liệu thu thập được, lời khai bị can và người liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đủ cơ sở xác định lợi dụng việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt, Nguyễn Cao Trí đã có thủ đoạn gian dối chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng , thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng đã nhận.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/chi-tiet-thuong-vu-nghin-ty-lien-quan-loat-dai-gia-quan-chuc-vua-bi-bat-a32382.html