Nỗ lực tìm giải pháp
Theo báo Đầu Tư, thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc giảm 3,1 tỷ USD (giảm 8,9%); xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (giảm 6,9%); xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (giảm 10,3%); xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (giảm 16%).
Năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành dệt may vẫn có cơ hội trong năm nay khi nhu cầu thị trường dự kiến cải thiện hơn năm 2023, do kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy thông tin, bước sang năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận một vài tín hiệu tích cực, như đơn hàng quay trở lại đến hết quý I/2024. Không những thế, nhiều đối tác đã đưa ra lời hứa tiếp tục đặt hàng ở quý II đến quý IV/2024. Các đơn hàng gia tăng, lao động tại doanh nghiệp phải tăng ca đến Chủ nhật, kể cả ngày lễ.
Với những đơn hàng yêu cầu cao về sản xuất bền vững, sản xuất xanh, giai đoạn trước, doanh nghiệp Bangladesh có được lợi thế nhiều hơn, nhưng nay dịch chuyển một phần sang Việt Nam, do lương nhân công tại Bangladesh đã tăng.
Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, năm 2024, Mỹ vẫn sẽ là thị trường nổi bật và có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là trước thềm bầu cử. Ngoài ra, gần đây, Dony đã tiếp cận thị trường Nga và nhận thấy có tín hiệu khả quan khi thị trường này có sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhiều hơn. Dony đang thực hiện đơn hàng cho doanh nghiệp Nga đến Tết Nguyên đán.
Dony cũng đang có một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Đông. Còn ở thị trường Đông Nam Á, các đơn hàng xuất khẩu sang một số quốc gia như Malaysia, Campuchia… đang khá đều.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt - may - thêu - đan TP.HCM nhận định: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may được dự báo còn nhiều khó khăn về đầu ra do thị trường không có sự tăng trưởng, giá sản phẩm không tăng. Ngoài ra, các chính sách về sản xuất xanh, sản phẩm xanh vẫn chưa được khai thác tốt. Với 6 tháng cuối năm, dự báo các thị trường truyền thống sẽ phục hồi”.
Ngoài tình hình đơn hàng có biến động ở các thị trường, những thách thức với dệt may trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh, yêu cầu tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…
Thế nhưng, với những tín hiệu có phần khả quan, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng kịch bản “vượt sóng”.
Theo ông Phạm Văn Việt, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thêm thị trường châu Phi, Trung Đông…, song ngành dệt may cần thêm thời gian để chứng minh chất lượng, giá cả và mức độ uy tín tại thị trường này.
Dự báo đơn hàng dệt may sang thị trường Mỹ sẽ khởi sắc
Theo báo Công thương, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 được nhận định khởi sắc, trong đó ở nhóm hàng dệt may và giày dép đã có những tín hiệu tích cực.
Theo nhận định của của Tập đoàn VinaCapital, chuỗi suy giảm lâu nhất trong vòng 10 năm qua của lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã chạm đáy và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital - cho biết: Đơn hàng xuất khẩu trên toàn cầu đã sẵn sàng tăng trở lại khi hàng tồn kho cuối năm 2023 của các nhà bán lẻ ở Mỹ giảm 5-7% so với năm trước đó (theo báo cáo lợi nhuận của một số bên như Walmart, Target, Best Buy, Nike…). Điều này lý giải vì sao xuất khẩu của Việt Nam từ mức tăng 11% năm 2022 đã xuống mức giảm 4% năm 2023.
Thực tế, theo các dữ liệu gần đây, xuất khẩu linh kiện máy tính và hàng điện tử đã tăng trở lại. Điều này xuất phát từ doanh số sản phẩm máy tính và các sản phẩm dành cho xu hướng “Work from Home” đã giảm sau COVID, nhưng người tiêu dùng đang có nhu cầu nâng cấp máy tính để sử dụng các chương trình về trí tuệ nhân tạo (AI).
Thêm vào đó, doanh số điện thoại di động đã tăng trở lại lần đầu sau hai năm, cụ thể là vào cuối 2023 đã tăng 5% so với cùng kỳ. “Chúng tôi ghi nhận, nhập khẩu linh kiện điện tử vào Việt Nam để sản xuất máy tính và sản phẩm điện tử tiêu dùng đang tăng, là chỉ báo đáng tin cậy rằng các công ty đang chuẩn bị để sản xuất cho các đơn hàng đã đặt”- ông Michael Kokalari cho biết.
Tuy vậy, theo ông Michael Kokalari, VinaCapita chỉ kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ hồi phục nhẹ trong năm nay - một phần bởi dư nợ tín dụng ở Mỹ đã tăng gần 40% trong hai năm qua, hạn chế người tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục mua sắm các sản phẩm “Made in Vietnam”.
Giải thích cụ thể, ông cho biết, xuất khẩu hàng may mặc - giày dép của Việt Nam vẫn chưa bắt đầu hồi phục bởi nhu cầu từ thị trường Mỹ còn yếu (CEO của Target cho biết người tiêu dùng Mỹ năm ngoái đã hoãn mua trang phục mùa đông cho đến khi thời tiết thật sự trở lạnh). Ngoài ra còn do một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy đến các nước có nhân công rẻ hơn (đặc biệt là Bangladesh) và một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy ra khỏi châu Á để tránh khả năng phải nhập cotton hoặc các nguyên liệu khác từ Trung Quốc.
Dù vậy, khách hàng quốc tế đặt hàng may mặc - giày dép từ Việt Nam đã thông báo cho các đơn vị sản xuất về việc chuẩn bị đón lượng đơn hàng lớn hơn trong năm nay, theo nguồn tin trong ngành của VinaCapital. Các đơn vị sản xuất còn cho biết khách hàng lại đặt đơn nhỏ và/hoặc đơn giao gấp nhiều hơn - thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước.
Đào Vũ (T/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/xuat-khau-det-may-len-ke-hoach-vuot-kho-va-nhung-tin-hieu-vui-a33231.html