Tín hiệu tích cực từ thị trường
Theo báo Công thương, thị trường đang có những tín hiệu tích cực cho thấy cá tra có khả năng phục hồi, nhất là khi sản phẩm cạnh tranh trực tiếp gặp yếu tố… “bất lợi”.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với năm trước đó.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm về mặt kim ngạch so với năm trước đó. Tuy nhiên, thị trường năm 2024 đang có những tính hiệu tích cực cho thấy cá tra có khả năng phục hồi, nhất là khi các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp gặp yếu tố… “bất lợi”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hiện tại, dù giảm thị phần tại một số thị trường nhưng xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… "Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết.
Bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đánh giá, dù thị trường ngành hàng thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho năm 2024.
Cụ thể, theo bà Thư, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Đây là động thái khiến các nhà nhập khẩu bắt đầu quan tâm hơn đến cá tra.
Cùng với đó, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2024.
Bên cạnh đó, với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra Việt Nam của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) thấp (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.
Sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt hơn với thị trường
Thông tin từ Thời báo Tài Chính Việt Nam, theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, song ngành cá tra vẫn đề ra mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để đáp ứng mục tiêu này, ngành thủy sản cần sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Theo đó, ngành thủy sản cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng cá tra theo nhu cầu thị trường; bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, nhất là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định.
"Phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường" - ông Tiến nhấn mạnh.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất cá tra, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến, tận dụng các phụ phẩm như đầu, xương… nhằm nâng cao sức cạnh tranh, cho dù hiện nay có nhiều nước có thể nuôi được cá tra.
Đào Vũ (T/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/tin-hieu-tich-cuc-giup-xuat-khau-ca-tra-them-co-hoi-a33704.html