Với mong muốn hỗ trợ và đồng hành cùng các startup, Văn phòng Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp cùng Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam tiến hành khảo sát "Thực trạng và tình hình phát triển của các startups tại Việt Nam".
Khảo sát được triển khai thí điểm trong năm 2023 và có thể nhân rộng trong thời gian tới nhằm cung cấp thêm các thông tin cho Ban Điều hành Đề án 844, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo nhằm đưa ra các kế hoạch, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Trong năm 2023, có gần 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia khảo sát đã phần nào cung cấp các thông tin có ý nghĩa về bức tranh hệ sinh thái trong những năm khó khăn vừa qua.
Nhiều thách thức khi tìm kiếm nguồn vốn để phát triển
Số liệu trong khảo sát đã cho thấy nguồn vốn từ các quỹ và nhà đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của startup. Việc giải quyết các khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thỏa mãn mong muốn hỗ trợ từ nhà đầu tư sẽ giúp xây dựng một môi trường khởi nghiệp mạnh mẽ và thúc đẩy sự phát triển bền vững cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Theo khảo sát, gần một nửa số doanh nghiệp (45,14%) đang ở giai đoạn Pre-seed (tiền hạt giống), thể hiện sự tập trung mạnh mẽ ở giai đoạn chuẩn bị và nghiên cứu ý tưởng. Với 30,56% trong vòng gọi vốn Seed (hạt giống), thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng startup chuyển từ giai đoạn chuẩn bị sang giai đoạn thực hiện ý tưởng và sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 17,36% các doanh nghiệp đang ở giai đoạn Series A. Điều này có thể phản ánh sự khó khăn mà các startup phải vượt qua để tiến xa hơn trong quá trình phát triển và gọi vốn.
Do vậy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ hiện nay là làm thế nào để tiếp cận đến các nhà đầu tư. Dữ liệu cho thấy hơn 50% startup gặp khó khăn chính ở giai đoạn này. Trình độ của các startups hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm, khi có tới 28,10% doanh nghiệp chưa đủ năng lực để thuyết phục các nhà đầu tư.
Về phía nhà đầu tư cũng cần xem xét lại về tính minh bạch khi cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, có 13,73% startup cảm thấy bị thiếu thông tin khi tiếp cận quỹ đầu tư. Năng lực chưa đủ cùng các vấn đề trong việc tiếp nhận thông tin khiến 24,18% công ty khởi nghiệp cảm thấy khó đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.
Đối mặt với những cản trở đó, các startup cũng thể hiện rõ ràng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Nhu cầu nổi bật nhất trong số đó là mong muốn sự đồng hành và định hướng của các nhà đầu tư trong quá trình phát triển của startup.
MindX - một doanh nghiệp startup đào tạo công nghệ cho mọi lứa tuổi cho biết, bên cạnh các quỹ đầu tư thông thường như Beacon Fund, họ còn kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư khác như Tập đoàn giáo dục Thái Lan Aksorn, Tập đoàn Nhân sự Mynavi Nhật Bản hay Wavemaker Partners. Điều này cho thấy nhu cầu được hỗ trợ về nhiều mặt của các doanh nghiệp bao gồm tài chính, kinh nghiệm, mạng lưới kết nối, kênh phân phối…
Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn được nhà đầu tư đưa ra các phương pháp định giá minh bạch mà trong ngành đầu tư công nhận, không ép giá. Giải ngân nhanh cũng là mong muốn của một số startup.
Nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đã gọi vốn thành công và đạt thành tích cao
Về quy mô nhân sự trong các doanh nghiệp khởi đổi mới sáng tạo, các kết quả khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có quy mô dưới 10 nhân sự.
Sự nhỏ gọn và linh hoạt về nhân sự này giúp các startups có khả năng đổi mới, thích nghi nhanh chóng với thị trường đang biến động. Những công ty này có thể thoải mái hơn trong việc thay đổi chiến lược, mô hình kinh doanh, đưa ra ý tưởng mới, việc này phù hợp với tính chất biến động và thay đổi thường xuyên của loại hình doanh nghiệp này.
Ngược lại, các startup có quy mô từ 10-50 nhân sự trở lên thường có sự ổn định, có thể cảm nhận rõ ràng hơn về thị trường thông qua những kinh nghiệm và khả năng nghiên cứu thị trường chuyên sâu, từ đó ứng dụng chiến lược dài hạn hiệu quả. Các startup có quy mô nhân sự này thường hoạt động từ trên 5 năm, đã gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tỉ lệ nhân sự đã tốt nghiệp đại học trở lên làm việc trong các startup tham gia khảo sát chiếm phần lớn cho thấy trình độ, năng lực của các doanh nghiệp này cần để đáp ứng các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế tri thức. Đây cũng chính là môi trường và cơ hội mà doanh nghiệp startup cần phải khai thác.
Về tỉ lệ giới tính trong vai trò chủ doanh nghiệp, với nữ giới chiếm 25,88% và nam giới chiếm 74,12%. Việc người sáng lập, điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đa phần là nam giới cho thấy sự tương đồng với tỉ lệ chung của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam mặc dù chiếm tỉ lệ không nhiều nhưng đã đạt được nhiều thành công nhất định, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đã gọi vốn thành công và đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu.
Như vậy, các vấn đề liên quan đến nhân sự tại doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá đa dạng. Sự đa dạng về nhân sự không chỉ là chìa khóa cho sự sáng tạo, hiệu suất mà còn đối mặt với thách thức quản lý và tận dụng nguồn nhân lực. Việc xây dựng một môi trường làm việc khuyến khích sự đa dạng giới tính và học vấn sẽ tạo nên cơ hội mới, thúc đẩy sự tiến bộ trong thời kỳ biến động của doanh nghiệp.
Hoàng Giang
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/bai-toan-ve-huy-dong-von-nhan-su-cua-cac-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-a33975.html