Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, CTCP Cảng Quy Nhơn (MCK: QNP) có doanh thu thuần quý IV/2023 đạt 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp này lãi gộp trên 60 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận tăng nhẹ, ở mức 24%.
Trong kỳ, Cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu tài chính đạt 5,4 tỷ đồng, giảm gần 23%. Chi phí tài chính tăng từ hơn 818 triệu đồng lên hơn 4,3 tỷ đồng do gia tăng chi phí lãi vay. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 63%, về còn 25 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế 31 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả tăng trưởng, doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân là do quý IV/2022, Cảng Quy Nhơn đã thực hiện trích lập dự phòng phải trả liên quan đến tranh chấp hợp đồng cung ứng với Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long số tiền 53,67 tỷ đồng.
Đây là chi phí dự phòng liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa doanh nghiệp ngày và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long diễn ra từ năm 2019.
Sau nhiều lần xét xử, tại bản án phúc thẩm lần 2 vào tháng 12/2022, TAND cấp cao Đà Nẵng đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Cảng Quy Nhơn; chấp nhận một phần kháng cáo của Cửu Long; buộc phải trả cho Cửu Long tổng số tiền 53,48 tỷ đồng, bao gồm phí dịch vụ lai dắt 24,44 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại năm 2019 và 2020 là 24,65 tỷ đồng, trả lãi chậm thanh toán 4,39 tỷ đồng; buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh kế đã ký kết với Cửu Long; ngoài ra Cảng Quy Nhơn còn phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm còn lại là 190,76 triệu đồng.
Từ ngày 21/4/2023 đến ngày 24/4/2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản của Cảng Quy Nhơn số tiền 53,48 tỷ đồng để thi hành án. Ngày 29/5/2023, Cảng Quy Nhơn đã nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm số tiền 190,8 triệu đồng.
Đến ngày 14/6/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và giao hồ sơ về TAND tỉnh Bình Định giải quyết lại.
Do không còn phải trích lập dự phòng khoản phải trả trên, kết thúc năm 2023, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 112,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước mặc dù doanh thu giảm đến 12% (938 tỷ đồng). Trong năm 2023, Cảng Quy Nhơn cũng giảm được 46 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.265 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tiền và tiền gửi ngân hàng được ghi nhận đạt hơn 376 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, tài sản cố định chiếm 42%, đạt mức hơn 533 tỷ đồng, tăng đến 2,8 lần so với đầu năm. Do trong năm 2023, QNP đã tạm tăng tài sản cố định đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 - Cảng Quy Nhơn. Nguyên giá tạm tăng hơn 363 tỷ đồng, phần chi phí dở dang của dự án được thực hiện tăng tài sản sau khi quyết toán dự án hoàn thành.
Doanh nghiệp này có tổng nợ phải trả ở mức 438 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với đầu năm. Trong năm 2023, Cảng Quy Nhơn mới phát sinh khoản vay dài hạn 215 tỷ đồng tại BIDV với hạn mức tín dụng trên 327 tỷ đồng nhằm thanh toán các chi phí đầu tư thực hiện dự án nâng cấp bên số 1 - Cảng Quy Nhơn.
Liên quan đến dự án nâng cấp bến cảng số 1 - Cảng Quy Nhơn, ngày 4/1/2024, doanh nghiệp phê duyệt Dự án đầu tư cần trục quay đa năng trên bến số 1 – Cảng Quy Nhơn với tổng mức đầu tư dự án là gần 195 tỷ đồng vào dự án đầu tư cần trục quay đa năng trên bến số 1 và dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025.
Đến thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Cảng Quy Nhơn tăng thêm 6%, đạt 827 tỷ đồng, bao gồm 134 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Doanh nghiệp này cũng dành 288 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/dau-tu-nang-cap-ben-cang-cang-quy-nhon-tang-no-them-42-a34294.html