Thủy sản gặp khó, Thực phẩm Sao Ta về đích nhờ "thắt lưng buộc bụng"

Năm 2023, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 5.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 302 tỷ đồng; giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong quý cuối năm, bất chấp những dự báo khó khăn chung của toàn ngành.

Cụ thể, quý IV/2023, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty giảm 8% xuống còn 139,8 tỷ đồng

Bên cạnh đó, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 25% lên 19 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí bán hàng tăng nhẹ thì chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp tiết giảm lần lượt 58% và 27% xuống còn 7,3 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, quý IV/2023 Sao Ta báo lãi 88,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 5.087 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán thủy sản chiếm đa số với 96% cơ cấu, tương đương 4.928 tỷ đồng. Trong năm, doanh thu hàng nông sản đạt 159 tỷ đồng, giảm 25%.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm 14%, còn 79 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay lại tăng thêm 63,9%, lên mức 28,2 tỷ đồng. Kết quả, tổng lợi nhuận trước thuế của Sao Ta đạt 304 tỷ đồng. Sau thuế, công ty báo lãi 302 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022.

Trước đó vào tháng 10/2023, Sao Ta đã công bố quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Như vậy, năm 2023, Sao Ta đã hoàn thành kế hoạch điều chỉnh.

Sau khi lập kỷ lục về xuất khẩu vào năm 2022 thì bước sang năm 2023, ngành tôm ghi nhận những tín hiệu không mất khả quan, xuất khẩu sụt giảm 21% xuống còn 3,4 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu là do suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và lãi suất tăng cao tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường xuất khẩu chính của ngành tôm - khiến sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh, lượng hàng tồn kho nhiều. 

Trong bối cảnh đó, Thực phẩm Sao Ta vẫn đạt được kế hoạch đề ra (đã điều chỉnh), một phần là nhờ việc công ty biết “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm các khoản chi phí.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Sao Ta đạt 3.344 tỷ đồng, giảm 12% so số đầu năm. 

Trong đó, khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng ghi nhận tăng từ 295 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, tương đương gấp 1,5 lần. Ngoài ra, khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc từ 6 tháng đến 12 tháng tăng gấp 24,9 lần, đạt 274 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ của doanh nghiệp ngành tôm này ở mức 1.110 tỷ đồng, tăng 27% so số đầu kỳ, đa số là nợ ngắn hạn.

Theo đó, Sao Ta có 824 tỷ đồng vay ngắn hạn tại ngân hàng, tăng tới 60% so với đầu năm. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy khoản vay ngắn hạn của công ty từ 872 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng, tương đương tăng 26%.

Cụ thể hơn về các khoản vay, Thực phẩm Sao Ta đang có 7 khoản vay tại 3 ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank, BIDV. Trong đó, khoản vay lớn nhất được ghi nhận tại Vietinbank, là khoản vay ngoại tệ với giá trị quy đổi khoảng 196 tỷ đồng, lãi suất 4% với tài sản đảm bảo là hệ thống ao nuôi tôm Tân Nam, trạm biến áp và hệ thống điện Tin An.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/thuy-san-gap-kho-thuc-pham-sao-ta-ve-dich-nho-that-lung-buoc-bung-a34430.html