Nhựa Tiền Phong lãi kỷ lục, có hơn nghìn tỷ gửi ngân hàng

Tại thời điểm cuối tháng 12/2023, phần lớn tài sản của Nhựa Tiền Phong nằm ở khoản tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 1.435 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với 1.351 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù doanh thu suy giảm song giá vốn giảm tới 26% so với quý IV/2022 giúp biên lãi gộp quý IV của Nhựa Tiền Phong đạt 33,2%, cao nhất kể từ quý II/2021, cùng kỳ 2022 ghi nhận 21,9%.

Các chi phí tăng không đáng kể, giá chi phí nguyên vật liệu quý IV/2023 giảm mạnh so với năm 2022 là yếu tố chính giúp lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong tăng 138% so với cùng kỳ lên 165 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận 5.176 tỷ đồng doanh thu, giảm 9%; lợi nhuận sau thuế tăng hơn 16% so với năm trước, đạt 559 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận năm cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 5.875 tỷ đồng doanh thu, 535 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, nhà sản xuất ống nhựa PVC này mới thực hiện được 90% chỉ tiêu doanh thu song vượt 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt 5.454 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho lại giảm mạnh từ mức 1.500 tỷ đồng đầu năm xuống còn hơn 1.150 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lượng lớn tài sản của doanh nghiệp này đang nằm ở khoản mục tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 1.435 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng tài sản.

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả là 1.700 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn và biến động không đáng kể so với đầu năm. Trong năm qua, doanh nghiệp đã đi vay tổng cộng 3.498 tỷ đồng, đồng thời trả nợ gốc vay 3.494 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay năm ngoái là 90 tỷ đồng trong khi khoản lãi tiền gửi ghi nhận gần 56 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2023, vốn chủ sở hữu của Nhựa Tiền Phong đạt 3.115 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 1.296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 645 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán FPTS dự phóng năm 2024, nhu cầu ống nhựa sẽ cải thiện từ quý II/2024 sau kỳ nghỉ Tết, và tăng trưởng rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2024.

“Tuy nhiên, cần lưu ý mức sản lượng tiêu thụ trên chưa phục hồi hoàn toàn về mức cao của giai đoạn 2019-2020 vì triển vọng ngành BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn khi còn vướng mắc trong hệ thống pháp lý”, FPTS đánh giá.

Đồng thời, đơn vị này cũng dự phóng doanh thu thuần ngành nhựa xây dựng năm 2024 sẽ đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm trước và tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12,5%, giảm 3,0 đpt so với cùng kỳ. Trong đó, mức tăng doanh thu thuần đạt được nhờ kỳ vọng nhu cầu từ ngành xây dựng cải thiện giúp sản lượng tiêu thụ ống nhựa cải thiện 8,5% so với cùng kỳ.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nhua-tien-phong-lai-ky-luc-co-hon-nghin-ty-gui-ngan-hang-a34478.html