Nỗi trăn trở của chủ DN thời trang: Giới trẻ ít làm việc tay chân, trả lương 18-20 triệu/tháng vẫn không tuyển được thợ trẻ

"Một thợ may nếu làm việc cũng trong giờ hành chính thì lương 18-20 triệu đồng là bình thường. Thợ rập lương còn cao gấp 3 lần như thế", Founder thương hiệu VAS Vân Anh Scarlet chia sẻ về quá trình sản xuất thời trang thiết kế. Dù vậy, giới trẻ hiện nay có xu hướng làm việc văn phòng hoặc tự kinh doanh, khiến chị rất khó tuyển thợ trẻ.

Nỗi trăn trở của chủ DN thời trang: Giới trẻ ít làm việc tay chân, trả lương 18-20 triệu/tháng vẫn không tuyển được thợ trẻ - Ảnh 1.

NTK Vân Anh Scarlet – Founder hai thương hiệu thời trang VAS và VAD.

Nhà thiết kế (NTK) Vân Anh Scarlet – Founder hai thương hiệu thời trang VAS và VAD – là tên tuổi được nhiều người nổi tiếng yêu thích và lựa chọn trang phục, đồng thời "ghi điểm" với những khách hàng nữ theo đuổi phong cách quyến rũ và cá tính. Khởi nghiệp từ năm 2015, chị đã xây dựng được hệ thống showroom trên những phố trung tâm tại các thành phố lớn. Một yếu tố quan trọng làm nên thành công là nhờ thấu hiểu từng chi tiết trong quá trình sản xuất.

"Nếu học về thời trang, bạn cần phải biết tất cả, từ chăm sóc khách hàng đến cách bán hàng và sản xuất. Khi đã làm chủ một thương hiệu thì phải làm được tất cả các bộ phận, phải hiểu những người bên dưới như thế nào", NTK Vân Anh Scarlet bày tỏ quan điểm trong series podcast Chapter 0 của Rising Việt Nam mới đây.

Mức lương tháng 18-20 triệu đồng vẫn không tuyển được thợ trẻ

Đề cập tới những khó khăn trong quá trình tạo ra một sản phẩm thời trang thiết kế, chị cho biết tất cả các khâu đều là thử thách. Trước hết, thương hiệu phải bắt được xu hướng. Tuy nhiên, có những xu hướng ở nước ngoài về Việt Nam lại không ăn nhập, nên ngay từ khâu thiết kế ban đầu đã phải tính toán rất kỹ lưỡng.

"Khâu dựng rập cũng rất khó, vì có những thiết kế của tôi lên tới 170 mảnh ghép vào nhau. Phải làm sao để sản xuất được số lượng lớn những mặt hàng chi tiết như thế mà vẫn hoàn toàn đồng đều, không có chênh lệch, tức là đầu ra phải đảm bảo chất lượng", Founder của VAS và VAD chia sẻ.

Đối với chị Vân Anh, một trong những khó khăn lớn nhất nằm ở đội thợ. Theo NTK này, các thợ may và thợ rập hiện nay hầu hết đều đã có tuổi, bởi giới trẻ rất ít làm việc tay chân. Khi làm việc với đội ngũ thợ hơn tuổi mình và mang những suy nghĩ cũ, chị phải tìm cách thuyết phục họ làm những mẫu thiết kế mới, kiểu dáng cầu kỳ và sáng tạo hơn, rèn luyện tay nghề của họ.

"Đấy là một trăn trở. Tôi không thể tuyển được những người thợ trẻ, vì giới trẻ bây giờ đều có xu hướng làm văn phòng, tự kinh doanh, hoặc những công việc mang tính mạng xã hội cao. Người làm rập, làm may mặc rất hiếm. Chúng tôi mỗi ngày vẫn phải giành giật nhau những người thợ giỏi, bởi họ là thế hệ cuối cùng yêu thích công việc này.

Thực ra, doanh thu của họ lại ổn định hơn những người làm văn phòng. Một thợ may nếu làm việc cũng trong giờ hành chính thì lương 18-20 triệu đồng là bình thường. Thợ rập lương còn cao gấp 3 lần như thế. Vì vậy, tâm tư của VAS và VAD là đề cao những người thợ, để sau này có thể các bạn trẻ sẽ yêu thích hơn, học nghề và cống hiến cho ngành may", chị Vân Anh bày tỏ.

Nỗi trăn trở của chủ DN thời trang: Giới trẻ ít làm việc tay chân, trả lương 18-20 triệu/tháng vẫn không tuyển được thợ trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ thêm về quá trình sản xuất, NTK này cho biết chị coi thợ rập và người thiết kế giống như "hai cánh tay" – phải là một thể thống nhất, hiểu nhau và phối hợp làm việc thật hiệu quả. Tiếp đó, từ bộ rập đưa xuống sản xuất lại phải làm sao để theo đúng ý nhà thiết kế. Theo chị Vân Anh, tỷ lệ khoảng 95-99% đã là thành công.

Để giữ được đội ngũ thợ lành nghề gắn bó nhiều năm, chị còn phải học cách quản trị cảm xúc, tâm lý học và quản trị nhân sự linh hoạt, nói chuyện với từng nhân viên để thấu hiểu nguyện vọng của họ. Có người muốn thu nhập ổn định, người lại mong được trải nghiệm những điều mới mẻ hơn.

"Kinh doanh thời trang bây giờ không còn dễ như ngày xưa"

Tuy quá trình sản xuất khó khăn, chị Vân Anh cho rằng đây là điều bắt buộc với một công ty thời trang.

"Làm chủ thương hiệu mà bạn chỉ nhập hàng hoặc không rành về sản xuất, không hiểu sản phẩm của mình thì không thể cạnh tranh được. Khi nắm được sản xuất và có nội lực bên trong, thì làm ngành nào đi chăng nữa bạn vẫn sẽ đạt được thành công", NTK thẳng thắn bày tỏ.

Trước câu hỏi về lời khuyên dành cho các startup, chị Vân Anh cho rằng kinh doanh thời trang bây giờ không chỉ là bán những thứ mình thấy đẹp, mà nên nghiên cứu kỹ đối tượng khách hàng, xác định bán cho ai, từ đó đưa ra những định hướng sản phẩm tốt.

"Nếu làm được bộ sưu tập đầu tiên đẹp, bộ thứ hai và thứ ba đều được yêu thích, thì cũng chưa chắc những bộ tiếp theo được đón nhận. Nghiên cứu tốt, làm sản xuất tốt và hiểu khách hàng thì mới có thể tồn tại lâu. Đặc biệt, kinh doanh thời trang bây giờ không dễ như ngày xưa. Các chủ thương hiệu phải học rất nhiều thứ, từ livestream đến sản xuất hay thương mại điện tử.

Nguồn vốn như ngày xưa bây giờ cũng không thể làm thời trang được. Khi xã hội đã phát triển rất xa, mỗi ngày lại có thêm nhiều hãng thời trang mở ra rồi đóng vào, na ná như nhau, thì các bạn nên làm gì đó để giữa vô vàn thương hiệu, người ta vẫn nhận ra mình là ai, khách hàng của mình như thế nào", chị đưa ra lời khuyên.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/noi-tran-tro-cua-chu-dn-thoi-trang-gioi-tre-it-lam-viec-tay-chan-tra-luong-18-20-trieuthang-van-khong-tuyen-duoc-tho-tre-a34661.html