Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện một loại bếp được giới thiệu là "công trình nghiên cứu của các kỹ sư nhật bản và được ứng dụng phát triển tại Việt Nam" (nguyên văn – nhật bản) giúp "tiết kiệm gấp 10 lần" so với đun gas và điện.
Dù sản phẩm này có nhiều mẫu mã nhưng chúng đều được quảng cáo với những điểm mạnh khiến cho bất cứ người tiêu dùng nào cũng cảm thấy thực sự quan tâm: chi phí rẻ, hiệu quả cao, an toàn, không độc hại… Nói chung là mọi thứ chúng ta "cần và muốn" ở một chiếc bếp thì loại bếp này đều có thể đáp ứng được. Liệu có thực sự tồn tại một sản phẩm "ngon-bổ-rẻ" như vậy mà giá chỉ vài trăm ngàn đồng hay không?
Cấu tạo của bếp đun dầu thải
Những chiếc bếp đun dầu thải thô sơ này có lẽ chẳng liên quan gì đến hai chữ "Nhật Bản"
Hiện nay phần lớn bếp đun dầu thải ở Việt Nam đều được chế tạo thủ công và mỗi nhà sản xuất lại biến tấu một chút. Tùy vào cơ sở sản xuất mà bếp được làm từ sắt hàn hoặc dập nguyên tấm nhưng nhìn chung thì các loại bếp này đều có chung một số bộ phận chính gồm:
1. Thân bếp;
2. Bình chứa dầu và ống dẫn;
3. Quạt thổi khí cưỡng bức và ống dẫn khí;
4. Cột khí có khoan lỗ (hàn chết hoặc tháo lắp được);
5. Kiềng bếp (kiêm nắp bếp);
Nguyên lý hoạt động
Bếp đun dầu thải có cách hoạt động tương tự như bếp dầu hỏa "ngày xưa" hồi những năm 90 trở về trước ở các làng quê. Thời đó, người ta sử dụng dầu hỏa làm nhiên liệu chạy bếp. Người dùng cần châm lửa (bằng giấy hoặc que đóm) để đốt đầu các sợi bấc. Dầu sẽ ngấm theo phần thân sợi bấc lên trên (hiện tượng mao dẫn) và bốc cháy.
Sau này, để tiết kiệm nhiên liệu, người ta đã nghĩ ra phương án đốt dầu thải. Loại dầu này có thể xin miễn phí hoặc mua với giá rẻ tại rất nhiều cửa hàng cơ khí hoặc sửa chữa xe gắn máy, garage ô tô…
Cách sử dụng
Một điểm khác biệt của bếp dầu thải so với bếp dầu hỏa là không dùng sợi bấc mà là đốt các "hydrocarbon dễ cháy bị hóa khí" nên thao tác đầu tiên khi sử dụng bếp đun dầu thải là "mồi lửa".
Mồi lửa cho bếp đun dầu thải là thao tác quan trọng bậc nhất
Trước khi nhóm bếp, người dùng cần đổ sẵn một lượng nhỏ dầu vào lòng bếp rồi đốt vài tờ giấy để đưa nhiệt độ trên mặt dầu đến ngưỡng đủ làm cho các thành phần hydrocarbon dễ cháy hóa thành hơi, sau đó từ từ cho không khí "tươi" (thực chất là oxy) vào để tạo thành hỗn hợp cháy giàu khí và duy trì ngọn lửa.
Bước đầu tiên này rất quan trọng bởi nếu để quạt to quá thì sẽ làm tắt lửa mồi, còn nếu quạt không đủ mạnh thì không đủ oxy để duy trì sự cháy.
Khi lửa đã cháy đều và ổn định thì đặt kiềng bếp lên và có thể sử dụng. Tùy vào loại bếp, nhiên liệu và độ thành thục của người dùng mà quá trình "nhóm bếp" này có thể kéo dài từ 3-5 phút.
Trong suốt quá trình đun thì quạt phải liên tục hoạt động để cung cấp không khí, đồng thời người sử dụng cũng phải lưu ý nạp dầu để duy trì một lượng dầu nhất định ở trong thân bếp.
Vì bếp sử dụng quạt thổi gió cưỡng bức (công suất từ 20 đến 100W tùy nhà sản xuất) nên lửa bốc lên rất mạnh. Do vậy, để đảm bảo an toàn cháy nổ thì người sử dụng cũng cần phải có các phương tiện, trang bị phòng cháy chữa cháy đặt ở xung quanh.
Để sử dụng bếp đun dầu thải thì không thể thiếu... bình chữa cháy
Theo quảng cáo thì nguồn nhiên liệu đầu vào cho bếp này rất đa dạng, từ dầu nhớt xe máy cho tới mỡ chiên rán thải nhà hàng hay thậm chí là mỡ lợn quay, vịt quay thì đều có thể dùng để đốt được.
Thao tác nhóm bếp đã mất thời gian, còn để ngừng bếp thì cũng cần một chút kiên nhẫn. Khác với bếp dầu hỏa (vặn tịt bấc để ngắt lửa) hay bếp gas (vặn núm để ngắt gas), quá trình hóa khí xảy ra trực tiếp trên mặt dầu trong thân bếp nên người dùng phải ngắt dòng dầu cấp vào và để cho cháy hết lượng dầu đang có trong bếp. Nếu cố tình tắt bếp cưỡng bức thì khói và hơi dầu trong bếp sẽ bốc lên rất nhiều, gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn cháy nổ.
Quảng cáo Bếp Đun Dầu Thải - Bếp Đốt Nhớt Thải Siêu Tiết Kiệm trên Facebook
Nhận định sơ bộ
Từ lâu trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về đốt dầu thải cũng như các thiết bị sử dụng dầu thải làm nhiên liệu đốt để tiết kiệm chi phí, giảm tác hại đến môi trường gây ra bởi việc xử lý dầu thải không đúng cách… Tuy nhiên, những loại lò này chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm nhà xưởng, đốt rác, luyện kim… chứ ít thấy ai dùng để đun nấu trong gia đình. Và mặc dù được quảng cáo là không khói, không độc hại nhưng người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm sau đây:
1. Về xuất xứ:
Các loại bếp đun dầu thải được bán tại Việt Nam đều có xuất xứ "trong nước", và chúng tôi cũng chưa tìm được thông tin gì liên quan đến công nghệ Nhật Bản như quảng cáo.
2. Về an toàn sức khỏe:
- Khâu nhóm lửa ban đầu và dập lửa sau khi đun xong đều sinh ra khói đen và có mùi do lúc này nhiệt độ trong bếp không đủ cao để đốt cháy các hơi dầu.
Khói đen sinh ra lúc nhóm bếp
- Thành phần nhiên liệu đầu vào không đồng đều do thu gom từ nhiều nguồn, các loại dầu thải công nghiệp chứa nhiều tạp chất độc hại.
- Áp lực gió do quạt sên vài chục W không đủ sức phân tán nhuyễn giọt dầu nên sự cháy diễn ra không triệt để và hơi dầu sẽ bám vào nồi xoong cũng như thực phẩm khi đun nấu. Không ai biết được việc sử dụng loại bếp đun dầu thải này về lâu dài sẽ gây ra tác động gì cho sức khỏe con người.
- Chưa có bất kỳ một giấy chứng nhận hay phân tích nào về thành phần khí thải của bếp để khẳng định là đun bếp này "không độc hại". Nếu chỉ căn cứ vào việc "không sinh ra khói, không có mùi" mà đã kết luận là không độc hại thì thật nguy hiểm, bởi khí CO (sinh ra khi đốt than tổ ong) cũng không mùi nhưng hậu quả của nó đối với sức khỏe và tính mạng con người ra sao thì ai cũng hiểu.
3. Về an toàn cháy nổ:
- Bếp sử dụng nhiên liệu dạng lỏng và tạo ra dầu hóa khí nhưng cấu tạo của bếp không có bất cứ cơ chế an toàn nào để tránh cháy nổ hoặc rò rỉ nhiên liệu. Do vậy, việc sử dụng bếp đun dầu thải tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Trong bài sau, chúng ta sẽ cùng so sánh việc đun bếp gas và bếp dầu thải có chênh lệch nhau đến 10 lần như quảng cáo không nhé!
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/bep-dun-dau-thai-tiet-kiem-gap-10-sang-tao-cua-nguoi-nhat-hay-chi-la-chieu-tro-a3672.html