Trung Đông đang là khối thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường Trung Đông năm 2023 giảm 130%, đạt 82 triệu USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông không ổn định, có xu hướng sụt giảm so với năm 2022.
Đáng chú ý những bất ổn về kinh tế và cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas trong năm 2023 đã khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung, cá ngừ nói riêng sang khối thị trường này bị ảnh hưởng. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Trung Đông liên tục sụt giảm qua từng tháng từ đầu năm. Và chỉ cho tới tháng 11/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này mới có xu hướng phục hồi.
Theo số liệu trên Công Thương xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực Trung Đông ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Israel (tăng 37%), Liban (tăng 17%), UAE (tăng 23%), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 73%). Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường lại giảm mạnh như: Ai Cập (giảm 47%), Ả rập Xê út (giảm 78%)…
Hiện, Trung Đông đang là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU và CPTPP, chiếm gần 10% tổng kinh ngạch xuất khẩu cá ngừ. Trong những năm qua, đối mặt với nhiều thách thức từ các thị trường tiêu thụ chính, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đã tìm tới các thị trường nhỏ hơn nhưng có nhiều tiềm năng như Trung Đông để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, khu vực thị trường này cũng có những yêu cầu cao với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như yêu cầu phải có chứng nhận Halal. Nhà cung cấp cần phải chế biến và đóng gói phù hợp để đáp ứng tiêu chuẩn này.
Ngoài ra, theo thông tin mới đây từ Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út, Tổng Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm Ả rập Xê út (SFDA) đã có văn bản gửi lãnh đạo Liên đoàn các phòng Thương mại, Phòng Thương mại Riyadh, Jeddah, Dammam về việc một số sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang Ả rập Xê út có giấy chứng nhận Halal nhưng cơ quan cấp những giấy chứng nhận này không nằm trong danh sách được SFDA chấp thuận hoặc ủy quyền.
Trước những biến động trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập Xê út cần tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal và tiếp cận chứng chỉ Halal của đơn vị được SFDA ủy quyền để tránh bị lưu công hoặc trả hàng về.
Dự báo nhiều thách thức, xuất khẩu cá ngừ năm 2024
Năm 2024 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn, thách thức với sản phẩm này. Theo nhận định của các doanh nghiệp, năm 2024 có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao làm cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao.
Cùng với đó, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm nên nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, XK cao. Tất cả các yêu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam
Bên cạnh những khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do những bất cập về quy định kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) hiện hành của Việt Nam.
Thông tin trên Hải Quan theo “Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU” ban hành tại Quyết định 5523 ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – liên quan đến yêu cầu giấy Chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) do cơ quan thẩm quyền các nước cấp (theo mẫu số “28” của EC) kèm theo các lô nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả các lô cá tàu (cá được các tàu đánh bắt, chuyển sang các tàu cấp đông trên biển (freezer vessel), không chế biến, đóng gói hay bảo quản trên đất liền.
Các tàu cấp đông này chở nguyên liệu từ biển vào giao cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, không thể có giấy H/C do cơ quan thẩm quyền nào cấp. Từ những quy định trên khiến các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định này. Ngành xuất khẩu cá ngừ 1 tỷ USD của Việt Nam có nguy co hẹp và bị cạnh tranh thị phần tại châu Âu cũng như nguồn cung nguyên liệu cá ngừ khi các doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế nhiều nguồn nguyên liệu cá ngừ tốt.
Bên cạnh đó, theo quy định của EU, nguyên liệu trên các tàu cấp đông như trên khi chuyển vào các nước thành viên EU, cơ quan thẩm quyền EU cũng không yêu cầu giấy H/C do cơ quan thẩm quyền cấp mà chỉ yêu cầu H/C do thuyền trưởng ký.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, VASEP đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần tháo gỡ vướng mắc này cho doanh nghiệp.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/xuat-khau-ca-ngu-sang-trung-dong-dat-muc-cao-a37161.html