Giá thép tăng ngay tháng đầu năm và dự báo lạc quan trong 2024

Những tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm đã và đang mở ra bức tranh triển vọng cho ngành thép trong năm 2024.

Giá thép tăng trở lại ngay tháng đầu năm

Theo Kinh tế & Đô thị, trong tháng 1/2024, giá thép xây dựng nội địa đã có 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp; nối tiếp đà tăng từ cuối tháng 11/2023,với tổng số 5 lần tăng.

Trước đó, từ ngày 6 - 11/1, giá thép xây dựng trong nước đã tăng đợt đầu tiên trong năm 2024 với mức tăng đồng loạt cho cả thép thanh vằn và thép cuộn là 200.000 đồng/tấn. Lần thứ 2 (ngày 19/1) nhiều nhà máy thép thông báo tăng giá thép cuộn thêm 200.000 đồng/tấn, còn giá thép thanh vằn tạm thời giữ ổn định.

Sau đợt điều chỉnh giá lần thứ 2 này, tùy theo thương hiệu và khu vực thị trường, giá thép cuộn xây dựng dao động phổ biến từ 14,3 - 14,9 triệu đồng/tấn, giá thép thanh vằn CB300 từ 14,2 - 14,85 triệu đồng/tấn (giá thanh toán ngay tại nhà máy, chưa VAT, đã trừ chiết khấu tối đa theo sản lượng và vùng miền).

Giá thép tăng liên tục khi thị trường đang vào mùa cao điểm xây dựng cuối năm. Tuy các dự án bất động sản dân cư vẫn còn đình trệ, thói quen xây và sửa chữa nhà ở của người dân giúp ngành xây dựng ấm dần lên.

Tháng 1/2024, trùng với thời điểm cận Tết Nguyên đán nên sức tiêu thụ của thị trường thép giảm dần. Sản lượng tiêu thụ của hầu hết các nhà máy đều giảm so với tháng trước, nhưng vẫn tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Xu hướng thị trường - Giá thép tăng ngay tháng đầu năm và dự báo lạc quan trong 2024

Trong tháng 1/2024, giá thép xây dựng nội địa đã có 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp. Ảnh minh họa từ internet 

Với Tập đoàn Hòa Phát, tháng 1/2024 đã sản xuất 693.000 tấn thép thô, tăng 7% so với tháng 12/2023. Sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 639.000 tấn, giảm 16% so với tháng cuối năm 2023. 

Thép xây dựng, thép chất lượng cao Hòa Phát cung cấp ra thị trường trong tháng vừa qua là 363.000 tấn, giảm 22% so với tháng 12. Sản lượng tiêu thụ ghi nhận giảm so với tháng cuối năm trước chủ yếu do thị trường chuẩn bị bước vào đợt nghỉ Tết Giáp Thìn, nhu cầu thấp.

Thép cuộn cán nóng Hòa Phát (HRC) ghi nhận 275.800 tấn, tăng 2% so với tháng 12. Tuy vậy, các sản phẩm hạ nguồn HRC đạt kết quả khác nhau. Sản phẩm tôn mạ tăng trưởng 39% so với tháng cuối 2023 với mức gần 34.000 tấn. Trong khi đó ống thép Hòa Phát các loại đạt 47.900 tấn, giảm 30%.

Toàn hệ thống VNSTEEL sản lượng bán hàng trong tháng 1 đạt 299.000 tấn, giảm 7% so với tháng trước và tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 197.700 tấn, thép cuộn cán nguội đạt trên 67.900 tấn, tôn mạ 33.200 tấn.

Các doanh nghiệp thông tin, thị trường tiếp tục chờ đợi động thái của các nhà máy đối với giá thép thanh vằn. Phần lớn những người tham gia thị trường đều kỳ vọng đà tăng giá trong thời điểm hiện nay sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của thị trường sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu của thị trường miền Nam.

Kỳ vọng lớn trong năm 2024

Theo Công Thương, những kết quả tích cực trên đặt ra nhiều hy vọng cho ngành thép trong năm 2024. SSI Research vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép với điểm nhấn nhu cầu năm 2024 có thể phục hồi, đặc biệt là tại thị trường nội địa.

Kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi hơn 6% so với cùng kỳ trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%.

Khối lượng xuất khẩu có thể duy trì tăng trưởng nhờ triển vọng nhu cầu toàn cầu tích cực: Theo hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm 2024 so với 1,8% trong năm 2023. Nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 2,8%. Trong năm 2024 sau khi giảm 1,8% trong năm 2023, trong đó nhu cầu của Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 5,8% và 1,6% sau khi giảm 5,1% và 1,1% trong năm 2022.

Mặt khác, nhu cầu từ các nước ASEAN (trừ Việt Nam) dự kiến sẽ tăng 5,2% trong năm 2024, cao hơn mức 3,8% trong năm 2023.

Kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ cải thiện trong quý đầu tiên, do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ và Châu Âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Ngoài ra, Châu Âu kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang Châu Âu. (Châu Âu đã nhập khẩu hơn 1,9 triệu tấn thép bán thành phẩm từ Nga trong 7T2023).

Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Một báo cáo của Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cũng dự báo sản lượng sản xuất thép thô và nhóm sản phẩm thép năm 2024 sẽ lần lượt đạt mức 19,15 triệu tấn và 28,36 triệu tấn, tăng 7,16% và 6,76% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng sản phẩm thép năm 2024 ước tăng lần lượt 8,68% và 5,19% năm 2024, qua đó tạo dư địa cho các doanh nghiệp thép đẩy mạnh sản xuất.

Tuy nhiên, trong năm 2024, ngành thép sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc. Theo đó, nước này đang hướng tới sản xuất thép chất lượng và đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường. Do đó, nhu cầu thép phế liệu tăng lên.

Bên cạnh đó, ngành thép sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, trong đó trước mắt là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)của EU. Cơ chế này sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Từ 1/10/2023 chính sách bắt đầu có hiệu lực. Cơ chế này ảnh hưởng nhiều đến mặt hàng thép HRC thép của Việt Nam và các nước ASEAN.

Vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng như tăng cường công tác tìm hiểu, theo sát diễn biến nhu cầu thị trường để từ đó có các kế hoạch chuẩn bị kịp thời và chủ động trong năm 2024; Chú trọng nâng cao năng lực, nguồn lực tài chính, cải tiến phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất xanh; Minh bạch trong quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hiện nay.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng những tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm đã và đang mở ra bức tranh triển vọng cho ngành thép trong năm 2024.

Đào Vũ (T/h)

 

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gia-thep-tang-ngay-thang-dau-nam-va-du-bao-lac-quan-trong-2024-a38499.html