Tăng trưởng mạnh ở cả lượng, kim ngạch và trị giá bình quân
Theo Hải Quan online, số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, nửa đầu tháng 2 (1-15/2) cả nước xuất khẩu 150.944 tấn gạo, kim ngạch đạt 104,34 triệu USD.
Kết quả trên nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến 15/2 lên 663.209 tấn, kim ngạch đạt 466,6 triệu USD.
So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu tăng 14,4% (tương đương tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó kim ngạch tăng tới 53% (tương đương tăng gần 161 triệu USD).
Kim ngạch tăng cao hơn lượng nên trị giá xuất khẩu gạo bình quân đầu năm 2024 cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trị giá bình quân đạt hơn 703 USD/tấn, tăng 33,65% (cùng kỳ 2023 chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
Như vậy, khởi đầu năm mới 2024, xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh ở cả 3 tiêu chí là lượng, kim ngạch và trị giá bình quân.
Trước đó, năm 2023 đã ghi nhận những con số kỷ lục về xuất khẩu gạo. Cụ thể, năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn, tăng 14,4% và kim ngạch đạt 4,68 tỷ USD, tăng 35,3% so với năm trước.
Trong năm 2023, ASEAN là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước.
Ngoài ra, gạo Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc đạt 917 nghìn tấn, tăng 8%; Ghana đạt 587 nghìn tấn, tăng 32,9%...
Kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
Thông tin từ Đầu Tư, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm 2024, trong khi lượng tồn kho toàn cầu chỉ còn 160 triệu tấn, vì vậy, nhu cầu gạo dự kiến vẫn duy trì mức cao.
Bà Nguyễn Hà Minh Anh cho biết thêm, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2024, giá gạo có thể hạ nhiệt nếu chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận có thể không đi cùng với diễn biến thuận lợi của xuất khẩu gạo, do giá thu mua lúa gạo vẫn đang ở mức cao và quy trình mua bán gạo từ người nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng thường qua nhiều bên trung gian.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời tỏ ra thận trọng khi chia sẻ về kế hoạch kinh doanh: “Năm 2024, do không biết trước các động thái của Ấn Độ đối với việc có tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu hay không, các doanh nghiệp không dám giữ lượng tồn kho lớn, thay vào đó, duy trì hình thức mua nhanh, bán nhanh”.
Một tin vui là ngày 30/1/2024, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Berum Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia. Cùng với đó, Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết. Những con số này thể hiện triển vọng tích cực của xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm 2024.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2024 vẫn là một năm đáng chờ đợi đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo khi nhu cầu tiếp tục duy trì và mặt bằng giá xuất khẩu được kỳ vọng neo ở vùng giá cao.
Đào Vũ (T/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/dau-nam-2024-xuat-khau-gao-tang-truong-manh-o-ca-3-tieu-chi-a38593.html