Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp rau quả vào Trung Quốc
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, năm 2023 xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước sang thị trường này đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần. So với cùng kỳ năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%.
Cụ thể, vị trí thứ 2 thuộc về Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt hẳn Chile (quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc).
"Nguyên nhân khiến Việt Nam vượt Chile là nhờ kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến. Ngoài ra, năm qua Trung Quốc cũng tăng nhập rau quả chế biến từ Việt Nam nên khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng vọt", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lý giải.
Hiện Việt Nam là đối thủ "nặng ký" mà Chile và Thái Lan dè chừng. Năm nay khi sầu riêng đông lạnh, bơ, dừa của Việt Nam được xuất chính ngạch sang thị trường này, kim ngạch được dự báo sẽ tăng mạnh và thị phần giữa các nước xuất khẩu vào Trung Quốc tiếp tục được chia lại.
Ngoài có nguồn cung dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế hơn hai quốc gia trên về chi phí, thời gian vận chuyển. Khí hậu Việt Nam cũng thuận lợi hơn so với các quốc gia trên.
Thông tin trên Nông Nghiệp để xuất khẩu ngày càng thuận lợi, ông Nguyên cho rằng người sản xuất và doanh nghiệp thu mua cần liên kết chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với hàng chế biến nâng cao mẫu mã và đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Đàm phán để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch
Thông tin thêm trên Vietnamnet, theo tiết lộ của một lãnh đạo trong ngành bảo vệ thực vật, đơn vị này đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để ký nghị định thư với Trung Quốc về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch sang thị trường này. Nếu được cấp phép, triển vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới.
Hiện, xe chở rau quả từ các tỉnh phía Nam vẫn ùn ùn lên cửa khẩu để làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lý giải về cú bứt phá và trở thành hiện tượng cung cấp rau quả vào thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng do kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến nên Việt Nam vượt Chile để trở thành nhà cung cấp rau quả lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng tăng nhập rau quả chế biến từ Việt Nam trong năm vừa qua nên kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng vọt, lập kỷ lục lịch sử.
Thực tế, trong năm vừa qua, nhờ Trung Quốc mạnh tay gom mua nên kim ngạch xuất khẩu nhiều loại rau quả của Việt Nam tăng mạnh. Điển hình, xuất khẩu sầu riêng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022, trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 2,1 tỷ USD. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên 34,6%.
Ngoài ra, xuất khẩu mít tăng 44,6%, xoài tăng 44,2%, ớt tăng 34,5%...
Nhu cầu hàng rau quả tại thị trường Trung Quốc ở mức cao. Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Trước mắt sẽ là sản phẩm sầu riêng đông lạnh, bơ, chanh leo…
Mới đây, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm: dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, trái cây có múi, bơ, na, roi… xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này.
Đáng chú ý, sau chuyến công tác sang Trung Quốc hồi tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết trái cây của nước ta có lợi thế khi vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng. Phía nước bạn đánh giá rất cao về sầu riêng Việt. Sản lượng sầu riêng của chúng ta đang đứng nhất nhì tại thị trường này.
Khi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), doanh nghiệp hai bên đi đến thỏa thuận xây dựng chuỗi logistics để các sản phẩm trái cây của Việt Nam thông qua chợ đầu mối ở tỉnh này có thể tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.
Trung tâm nông sản ở Thâm Quyến cũng muốn tăng cường hợp tác để đưa các mặt hàng nông sản Việt vào trung tâm, trong đó có mặt hàng rau quả.
Tuy nhiên, để giữ được thị trường Trung Quốc, lãnh đạo ngành nông nghiệp và các chuyên gia cảnh báo, nông dân và doanh nghiệp Việt cần duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc để có thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vuot-chile-viet-nam-dung-thu-2-ve-xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-a40552.html