Nền kinh tế có tính hội nhập sâu rộng
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tính hội nhập sâu rộng và toàn diện của các nền thương mại, tạo ra vấn đề cạnh tranh thị trường thương mại toàn cầu của một số nền công nghiệp dệt may. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngoài việc ngành phải giải quyết một số vấn đề lớn là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng, cần nhận diện và có giải pháp đối với những yếu tố tác động trong cạnh tranh thương mại, không chỉ cho ngành dệt may mà còn cho tất cả các ngành công nghiệp khác.
“Ngành dệt may đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, đi đôi với phát triển thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề phát triển xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính… Do vậy, cần đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, cụ thể là quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư tại một số khu vực, địa phương”, ông Giang cho biết.
Ngoài những nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, có thể nhận thấy ngành dệt may năm 2024 vẫn tận dụng tốt những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh khác. Đơn cử như Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, EU.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm. Đó chính là những yếu tố thuận lợi, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định trong phát triển lâu dài, bền vững.
Doanh nghiệp xuất khẩu khó có giải pháp kịp thời
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (Dony) chia sẻ với báo Đầu Tư, năm 2023, đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ suy yếu, nhưng bù lại, đơn hàng từ thị trường Trung Đông của Dony gia tăng. Tuy nhiên, những tác động từ xung đột ở Biển Đỏ bắt đầu hiện diện trong đơn hàng vừa được giao gần nhất của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Dony xuất khẩu một container hàng sang Jordan từ tháng 12/2023, nhưng đến cuối tháng 2/2024, đối tác mới nhận được hàng. Điều đáng nói là, chỉ khi nhận đủ đơn hàng cũ, thì đối tác tại Jordan mới đặt đơn hàng tiếp theo. Bởi vậy, việc đơn hàng bị kéo dài thời gian vận chuyển đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
“Trước thời điểm xảy ra xung đột ở Biển Đỏ, giá cước vận chuyển sang Trung Đông khoảng 1.550 USD/container 40 feet. Tuy nhiên, sau 20 ngày diễn ra xung đột ở biển Đỏ, giá vận chuyển lập tức tăng lên gần 6.000 USD/container 40 feet. Còn ở thời điểm hiện tại, tuy giá đã giảm, còn 3.000 USD/container 40 feet, nhưng vẫn cao gấp đôi trước đây”, ông Quang Anh nói.
Đáng chú ý thời gian qua, không chỉ Trung Đông, cước vận chuyển sang Mỹ, Nga… đều tăng giá (tùy khu vực) với tốc độ “chóng mặt”, khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó có giải pháp kịp thời, nhưng nếu đơn hàng đã ký kết, thì không thể không vận chuyển theo đúng thời hạn.
Điển hình với Công ty TNHH Việt Thắng Jean, việc giá cước vận chuyển tăng gấp đôi, thời gian vận chuyển tăng từ 2 tuần lên 3 tuần đang ảnh hưởng trực tiếp đến mặt hàng thời trang và dòng tiền xoay vòng.
“Ảnh hưởng từ xung đột ở Biển Đỏ có thể kéo dài thời gian giao hàng, sản phẩm thời trang của Việt Thắng Jean nếu đến trễ sẽ không thể bán được, buộc phải vận chuyển bằng máy bay. Theo tính toán, trung bình mỗi sản phẩm vận chuyển đường hàng không tăng thêm 1 USD so với đường biển”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean nói.
Bên cạnh đó đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, căng thẳng trên Biển Đỏ chưa tác động quá lớn đến các doanh nghiệp trong ngành. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều nhận đơn hàng theo hình thức FOB (doanh nghiệp hoàn thành sản phẩm và đưa ra bến tàu để chuyển hàng cho khách; đối tác, người đặt hàng chịu các khoản chi phí vận chuyển tiếp theo).
Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, thì sẽ ảnh hưởng tới các đơn hàng mới, cụ thể là từ quý II/2024 trở đi và những doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ chịu nhiều tác động.
Trong khí đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu năm 2024 doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023, lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Lãnh đạo Vinatex cho biết, để thực hiện được kế hoạch trên, nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex sẽ là tiếp tục đảm bảo duy trì ổn định mọi nguồn lực, giảm tổn thất xuống mức tối thiểu.
Trao đổi với VOV ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, tập đoàn bám sát và cập nhật tình hình thị trường và nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ 1 tháng/lần, để các đơn vị thành viên có thể định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường vai trò của các Ban kinh doanh trong việc quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị gặp nhiều khó khăn về thị trường và quản trị sản xuất.
“Tập đoàn xây dựng cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, ưu tiên các “điểm nóng” cần xử lý ngay, không để gián đoạn sản xuất, người lao động phải nghỉ việc. Kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị trọng yếu, chỉ đạo, hỗ trợ một cách kịp thời, liên tục. Nhanh chóng đưa vào hoạt động hệ thống chuyển đổi số quản trị tài chính và nhân lực, phần mềm quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng quản trị thống nhất, minh bạch, tức thời tại tập đoàn và một số đơn vị”, ông Cao Hữu Hiếu cho biết.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nganh-det-may-no-luc-huong-moc-44-ty-usd-vao-nam-2024-a40767.html