Giá vàng “leo núi, lao vực” và câu chuyện tránh độc quyền vàng miếng

Giá vàng mấy ngày qua diễn biến khi “leo núi” lúc lại “lao vực” khiến nhà đầu tư “chóng mặt” và đối mặt với rủi ro.

Nhà đầu tư trở tay không kịp vì giá vàng “leo núi, lao vực”

Giá vàng miếng trong nước mấy ngày gần đây liên tục "nhảy múa" theo giá thế giới, mỗi ngày biến động từ 1 đến gần 3 triệu đồng/lượng ngày khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay, không biết nên mua hay bán. Ví dụ, chiều 13/3, giá giảm tới 2,7 triệu đồng/lượng (giá bán) so với buổi sáng và mất mốc 80 triệu đồng/lượng. Nhưng chỉ đến hôm sau (14/3), giá lại vọt tăng gần 2 triệu đồng/lượng, về lại 81,5 triệu đồng. Đến sáng 15/3, giá vàng lại quay đầu giảm theo giá vàng thế giới.

Diễn biến thất thường này khiến các nhà đầu tư đau đầu khi trở tay không kịp và không biết nên tính toán như thế nào để đảm bảo lợi nhuận cao nhất.

Xu hướng thị trường - Giá vàng “leo núi, lao vực” và câu chuyện tránh độc quyền vàng miếng

Nhà đầu tư trở tay không kịp vì giá vàng “leo núi, lao vực”.

Chia sẻ với báo chí, chị Thu Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết, ngày 13/3, khi nghe giá vàng liên tục lao dốc, chị vô cùng sốt ruột vì vừa trót "đu đỉnh", ôm vài lượng vàng để "lướt sóng". Tính toán một hồi, chị Giang quyết định mang vàng đi bán vì lo sợ vàng sẽ đảo chiều sau đợt tăng dồn dập thời gian qua. Nhưng khi chị vừa bán hôm trước thì hôm sau giá vàng lại tăng mạnh.

"Hôm trước tôi chỉ bán được giá 77,5 triệu đồng/lượng, trong khi nếu bán hôm sau thì được giá 79,5 triệu đồng/lượng. Với 5 lượng vàng, tôi đã thiệt cả chục triệu đồng. Thậm chí có thể nói tôi đã bị lỗ kép 2 lần, vì tôi đã phải bán giá thấp dù trước đó mua giá cao", chị Giang nói với VTC.

May mắn hơn, anh Trần Văn Lộc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, do có quá nhiều nhận định giá vàng sẽ còn tăng mạnh và thực tế giá liên tục phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới nên anh quyết định xuống tiền đầu tư dù giá kim loại quý đang ở mức cao.

Nhận định việc giá vàng trong nước thời gian gần đây diễn biến khi “leo núi”, khi lại “lao vực”, các chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo những diễn biến của khó lường có thể xảy ra, vì vậy nhà đầu tư không nên đợi đỉnh để chốt lời vì không biết đâu sẽ là đỉnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: "Nhà đầu tư không nên chờ giá lên đỉnh mới chốt lời. Bởi lẽ giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là đỉnh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời".

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, diễn biến của giá vàng cũng rất khó lường và nhiều rủi ro khi chênh lệch với giá thế giới khá lớn, nên nếu có lời, nhà đầu tư nên bán. Cụ thể, giá vàng trong nước thường biến động theo giá thế giới, thế nhưng có thời điểm hoàn toàn trái ngược.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương khuyến cáo, thời điểm này, nhà đầu tư không nên mua vàng bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại. “Nhà đầu tư có thể chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức “đỉnh” thì rủi ro là khá lớn”, ông Phương nhấn mạnh.

Phân tích thêm về câu chuyện đầu tư vàng, ông Ngô Thành Huấn- CEO Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho hay, năm 2012 là đáy của suy thoái, giá vàng tăng lên mức 43 triệu đồng/lượng.

Nhưng sau khi kinh tế ổn định, xu hướng hồi phục từ năm 2014, giá vàng tạo đáy ở vùng giá 36 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, giá vàng mới bật tăng trở lại mức giá 43 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu ai đó mua vàng vào năm 2012 thì phải giữ trong 7 năm, mới quay lại được mức giá vốn. Chẳng hạn, bỏ 300 triệu đồng mua vàng, sau 7 năm, họ không được thêm xu nào.

Tương tự, ông Huấn cho hay, nếu nhìn vào câu chuyện phục hồi kinh tế vào năm 2026, giá vàng bắt đầu chu kỳ giảm và đi ngang. Còn nếu mua bất động sản, dù thị trường hiện còn khó khăn nhưng 5 năm tới, giá nhất định sẽ tăng. Như vậy, nhà đầu tư thích mua cái nào hơn?

Do đó, theo vị chuyên gia tài chính này, không tăng mua vàng thời điểm này vì có thể “đu đỉnh” bất kỳ lúc nào trong chu kỳ lên tới 10 năm. Trong khi chi phí cơ hội trong dài hạn của các lớp tài sản như bất động sản, chứng khoán lớn hơn vàng rất nhiều.

Các chuyên gia lưu ý, với các nhà đầu tư đã mua vàng từ thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, với mức giá như hiện tại cũng đã có tỷ suất sinh lời khá tốt. Nhà đầu tư cứ tính mức lãi trung bình khoảng 2 triệu đồng/lượng thì nên chốt lời. Ngoài ra, việc mua vàng thời điểm này cũng rất rủi ro vì rất khó để đoán định được mức tăng của vàng do giá biến động nhanh chóng và dữ dội.

Đề xuất cơ chế nhằm tránh độc quyền vàng miếng

Trong bối cảnh giá vàng “nhảy múa”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tp.HCM đề xuất chỉnh sửa bổ sung Nghị định 24 nhằm tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

NHNN Chi nhánh Tp.HCM cho hay, Nghị định 24 ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống USD hóa, vàng hóa nền kinh tế. Nhưng sau hơn 10 năm nghị định này đi vào áp dụng, đã và đang xuất hiện những tồn tại hạn chế, vướng mắc như: chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới và trong nước, tạo vấn đề tâm lý nhất định nơi người dân và nhà đầu tư, đặc biệt mỗi khi thị trường vàng có những biến động.

Những phát sinh hạn chế từ thị trường đòi hỏi nhà điều hành nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, về công tác thanh tra, kiểm tra, và công tác truyền thông.

Vì vậy, NHNN Chi nhánh Tp.HCM đã có kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến việc quản lý thị trường vàng và chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24. Theo đó, NHNN Chi nhánh Tp.HCM kiến nghị chỉnh sửa bổ sung Nghị định 24, song vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 trong suốt hơn 10 năm qua. Đó là không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỉ giá, đến thị trường ngoại hối và mục tiêu chống USD hóa, vàng hóa.

NHNN Chi nhánh Tp.HCM cho rằng vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng; quản lý hiệu quả thị trường vàng có vai trò quan trọng. Do đó, NHNN Chi nhánh Tp.HCM kiến nghị chỉnh sửa bổ sung các quy định liên quan đến quản lý thị trường vàng. Trong đó, xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh Tp.HCM cũng kiến nghị NHNN nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.

Theo giới chuyên gia, một số quy định của Nghị định 24 không còn phù hợp trong bối cảnh mới và cần được sửa đổi. Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây tiếp tục yêu cầu NHNN nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao về quản lý thị trường vàng. Bên cạnh việc yêu cầu NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thủ tướng cũng giao cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra, giám sát chặt chẽ thị trường vàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng... Những việc này nhằm đảm bảo ổn định, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường vàng có nhiều biến động mạnh khi giá vàng tăng nhanh, có những giai đoạn liên tiếp lập đỉnh mới, phá vỡ đỉnh cũ. Ngày 12/3, giá bán ra của vàng miếng SJC đã lập đỉnh cao lịch sử 82,5 triệu đồng/lượng. Kết phiên 14/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 79,5 - 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Bị bán tháo, vàng giảm giá

Giá vàng thế giới sáng 15/3 được niêm yết trên Kitco ở mức 2.161 USD/ounce, giảm 14 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Giá vàng thế giới giảm do nhà đầu tư bán tháo, sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 2 tăng 0,6%.

Ngoài ra, giá vàng giảm khi thị trường đón nhận thêm dữ liệu lạm phát không như mong đợi. Báo cáo mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn một chút so với dự kiến đã giúp chỉ số US Dollar Index phục hồi và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Theo đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,6% trong tháng 2, cao gấp đôi mức dự báo tăng 0,3% so với tháng trước và mức tăng 0,3% trong báo cáo tháng 1. Trước đó, vào giữa tuần này, báo cáo khác cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo của giới chuyên gia với mức tăng 3,1%.

Chỉ số CPI cốt lõi trong tháng 2 đã tăng 3,8% so với mức tăng kỳ vọng 3,7%. Dữ liệu CPI và PPI đều tăng mạnh hơn dự báo đang làm mờ dần triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

M.V (T/h)

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gia-vang-leo-nui-lao-vuc-va-cau-chuyen-tranh-doc-quyen-vang-mieng-a41296.html