Rủi ro ngày một nghiêm trọng từ BĐKH
Theo Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR) do Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế và Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương thực hiện, từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
.jpg)
Hơn 90 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của BĐKH, đối mặt với những hiểm họa đặc biệt là dọc theo các vùng trũng ven biển và đồng bằng ven sông rộng lớn của đất nước do mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt.
BĐKH không chỉ đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia trên trường quốc tế trong cả công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh của đất nước đã dựa vào năng lượng sản xuất từ than đá, một nguồn năng lượng ra lượng phát thải khí nhà kính (KNK) đáng kể. Tuy không đóng góp nhiều vào KNK toàn cầu với tỷ trọng chỉ 0,8% lượng phát thải của thế giới nhưng chỉ trong 2 thập kỷ qua Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải KNK bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.
Trong giai đoạn 2000 - 2015, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng từ 390 USD lên 2.000 USD thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cũng tăng gần gấp bốn lần.
Hơn nữa, phát thải KNK của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động đang hoành hành tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội.
Để đối phó với những xu hướng này, Việt Nam cần áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình - thích ứng với BĐKH và xây dựng khả năng chống chịu; giảm thiểu BĐKH bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng và cắt giảm lượng phát thải, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon.
Nếu được thiết kế hiệu quả thì hai lộ trình này không chỉ giúp đất nước đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng hơn 5% một năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, thành quả tích cực như vậy không phải dễ dàng đạt được ngay.
Theo Báo cáo CCDR, Việt Nam dự kiến cần đầu tư khoảng 368 tỷ USD (tính theo giá trị hiện tại ròng) trong giai đoạn 2022 - 2040 vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội để đảm bảo “chuyển dịch công bằng” hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng “0” và có khả năng chống chịu với khí hậu.
Ước tính này tính theo giá trị hiện tại bằng cách sử dụng tỷ lệ chiết khấu là 6% theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới về phân tích kinh tế. Tỷ lệ chiết khấu xã hội thường được sử dụng để xác định giá trị hiện tại cho chi phí và lợi ích sẽ xảy ra sau này. Trong bối cảnh hoạch định chính sách về BĐKH, chúng được coi là rất quan trọng để tính toán xem xã hội ngày nay cần đầu tư bao nhiêu để hạn chế tác động của BĐKH trong tương lai. Đi kèm các khoản đầu tư còn cần xây dựng kế hoạch cải cách cơ cấu và chính sách, bao gồm các công cụ định giá carbon và các phương án cải cách thể chế khác để khuyến khích thay đổi hành vi trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.
Tăng cường khả năng chống chịu và khử carbon
Với tính dễ bị tổn thương cao với BĐKH, khó có thể phóng đại yêu cầu phải thích ứng. Trên thực tế, mối đe dọa của việc đầu tư không đủ cho biện pháp thích ứng là mối quan ngại lớn hơn so với biện pháp giảm thiểu khí hậu ở Việt Nam.
Báo cáo CCDR khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khả năng chống chịu của các tài sản tự nhiên, cơ sở hạ tầng và con người, cân bằng tốt hơn giữa các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu đang gia tăng bằng cách theo đuổi hai lộ trình có sự liên kết với nhau là tăng cường khả năng chống chịu và khử carbon.
Báo cáo CCDR phân tích, đối với lộ trình thích ứng với BĐKH - Lộ trình xây dựng khả năng chống chịu, tính dễ bị tổn thương cao đối với rủi ro khí hậu của cơ sở hạ tầng, năng suất và vốn xã hội của Việt Nam sẽ hạn chế khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước, và vì vậy sẽ đòi hỏi phải có biện pháp thích ứng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt, cộng với sự suy thoái của các dịch vụ hệ sinh thái do mất rừng ngập mặn hoặc đất ngập nước, đã khiến tài sản trị giá nhiều tỷ USD của đất nước bị ảnh hưởng.
Các vị trí chiến lược như Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, các hoạt động kinh tế như trồng lúa và các khu công nghiệp đang chịu ảnh hưởng của nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa và xâm nhập mặn.
Do đó, tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu là mục tiêu vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai. Lộ trình xây dựng khả năng chống chịu hàm ý không chỉ việc thích ứng với các rủi ro khí hậu mà còn khả năng có được những năng lực mới và có thể trỗi dậy mạnh hơn sau những cú sốc khí hậu.
Đối với lộ trình giảm thiểu BĐKH - Lộ trình khử carbon, mặc dù lượng phát thải KNK ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng phát thải toàn cầu nhưng vẫn cần xây dựng các biện pháp giảm thiểu vì chính lợi ích của quốc gia. Các biện pháp giảm phát thải KNK cũng sẽ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các trung tâm đô thị chính, mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính gây ra khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm, gây ra chi phí kinh tế lớn do suy giảm sức khỏe và năng suất lao động. Các công ty đa quốc gia và người tiêu dùng tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển hướng sang nền kinh tế carbon thấp.
Để duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần khử carbon trong lĩnh vực năng lượng và thực hiện các hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông và công nghiệp chế biến, chế tạo. Khử carbon ở đây đề cập đến các chính sách đang được thực hiện để giảm thiểu BĐKH như được chỉ rõ trong Thỏa thuận Paris.