Sáng 17/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024).
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh...
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, lễ kỷ niệm nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh. Khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, vì hạnh phúc của Nhân dân; Củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm nhưng ông đã để lại di sản vô cùng quý báu với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
Luận cương Chính trị năm 1930 do cố Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ ông làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Trên cương vị của mình, cố Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng, củng cố tổ chức Đảng các cấp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy; từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản.
Hội nghị Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản ngày 11/4/1931 đã thống nhất quyết nghị: "Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ đây được công nhận chi bộ của Quốc tế Cộng sản" là bước tiến quan trọng, in đậm dấu ấn, công lao của cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Noi gương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng và các lãnh tụ cách mạng tiền bối, quân và dân ta đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, vùng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đánh bại thực dân Pháp xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kế tục truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước bối cảnh thế giới và khu vực với nhiều biến động phức tạp, khó lường, sự chống phá của các thế lực thù địch, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao ý chí vượt khó, tin tưởng vững bước theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ, đồng chí Trần Phú, các thế hệ cách mạng tiền bối và Nhân dân ta đã lựa chọn.
"Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng Nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc", Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nói.
Sau lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú với chủ đề "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" đầy xúc động, tái hiện lịch sử hào hùng, ý chí quật cường của quân và dân ta.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 18/4/1931, đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, Tp.Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn.
Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại Tp. Hồ Chí Minh và di dời hài cốt của cố Tổng Bí thư về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/long-trong-le-ky-niem-120-nam-ngay-sinh-co-tong-bi-thu-tran-phu-a45809.html