Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ 'hạ nhiệt' tỷ giá

Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng với giá 25.450 đồng/USD nhằm “hạ nhiệt” tỷ giá. Đây là động thái tích cực. Tuy nhiên theo các chuyên gia, cũng cần thận trọng để tránh lãi suất huy động tăng trở lại.

Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ 'hạ nhiệt' tỷ giá- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước can thiệp bước 2 khi bán ngoại tệ ra thị trường. Ảnh: Như Ý

Giải tỏa tâm lý thị trường

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 ngày 19/4, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ NHNN - Phạm Chí Quang, cho biết, tỷ giá USD tăng nhanh có nguyên nhân từ thị trường quốc tế và nhu cầu trong nước. Trên thế giới, chỉ số đồng USD (DXY) trở lại mốc 106 điểm, lần đầu sau 6 tháng. Nguyên nhân từ lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian hạ lãi suất. Điều này trái với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trong nước, nhu cầu mua ngoại tệ lớn, nhất là từ phía doanh nghiệp, như nhập khẩu sắt thép. Các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro nên mua tăng ngoại tệ kỳ hạn, khiến nhu cầu tăng cao.

Theo ông Quang, việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái là biện pháp rất mạnh mẽ của cơ quan điều hành nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường. Việc này đảm bảo nguồn cung ngoại tệ trên thị trường thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. “Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của NHNN”, ông Quang cho hay.

Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, tỷ giá USD “nóng” từ đầu năm đến nay với mức tăng 4,9%. Đây là mức đáng quan tâm. Theo ông Tú, NHNN theo sát diễn biến tỷ giá và dùng công cụ như tỷ giá trung tâm điều phối lên xuống đảm bảo cung cầu. Việc tỷ giá USD tăng nóng bởi yếu tố khách quan thế giới cũng như nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, so với nhiều nước và vùng lãnh thổ xung quanh, tỷ giá cũng có biến động mạnh như: Đài Loan tăng 5,9%, Thái 7,9%... “Quan điểm NHNN điều hành linh hoạt, làm sao quản lý ổn định tỷ giá nhưng không cố định, tránh tác động mạnh của thế giới, tạo ra sự cân đối hài hoà, sẵn sàng can thiệp nếu bất lợi”, ông Tú nói.

Theo sát những ảnh hưởng

Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết, nhìn lại 2 năm 2022 và 2023, NHNN có 3 bước để kiểm soát tỷ giá. Bước 1, hút thanh khoản bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác. Bước 2, bán dự trữ ngoại hối. Bước 3, tăng lãi suất điều hành. Hiện, NHNN đang thực hiện bước 2 bán ngoại tệ. Nếu bước này không đủ, NHNN sẽ tính tiếp đến bước 3.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, hiện nay, NHNN chưa tăng lãi suất điều hành nhưng thị trường đã phản ứng bằng việc tăng lãi suất liên ngân hàng và một số ngân hàng thương mại tăng từ 0,5- 1%/năm lãi suất huy động. Điều này tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán.

Những ngày gần đây, tỷ giá liên tục phá đỉnh. Chiều 19/4, Vietcombank niêm yết USD mua vào 25.133 đồng và bán ra ở 25.473 đồng, bằng mức trần quy định. So với đầu năm, tỷ giá đã tăng hơn 5%.

Ông Ngọc phân tích, trong quý I, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tích cực 10% từ kỳ vọng về nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, gần đây, việc Fed giảm lãi suất trong năm nay không được như kỳ vọng vì lạm phát Mỹ đã tăng trở lại, giá vàng, dầu tăng… Từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam quay đầu giảm mạnh. Tại Việt Nam tỷ giá biến động mạnh trong vòng 1 tháng nay. Theo đó, dòng tiền bắt đầu rời khỏi thị trường chứng khoán.

Theo ông Ngọc, căng thẳng địa chính trị thế giới phức tạp, giá vàng, giá dầu trong nước tăng dẫn đến tỷ giá tăng. Cách đây 2 tuần, NHNN phát đi thông điệp sẽ bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá. Ngày 19/4, NHNN chính thức bán ngoại tệ.

“Tuy nhiên, không thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp khi NHNN đã bán USD ra thị trường. Thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng tăng 4% so với đầu năm. Điều này thể hiện cung cầu tiền trong hệ thống. Lãi suất này tăng một phần nhằm hạn chế mất giá USD trong giai đoạn hiện nay. Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại tăng từ 0,5 - 1%/năm và có thể tăng thêm nữa trong thời gian tới”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc dự đoán, 6 tháng đầu năm vẫn căng thẳng về tỷ giá. Ba tuần đầu tháng 4, thị trường chứng khoán giảm khoảng 10%.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ngan-hang-nha-nuoc-ban-ngoai-te-ha-nhiet-ty-gia-a46196.html