Giá cà phê tăng kỷ lục nhưng sản phẩm chế biến sâu vẫn “nằm im”

Dù giá cà phê trong nước tăng kỷ lục với hơn 120.000 đồng/kg nhưng các nhà rang xay, chế biến sâu vẫn phải “nằm im” để giữ chân khách hàng.

Những ngày gần đây, giá cà phê trong nước tiếp tục tăng kỷ lục, với mức hơn 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo khảo sát, một số đơn vị kinh doanh cà phê sau chế biến trên địa bàn Đắk Lắk (thủ phủ cà phê của Việt Nam) vẫn “nằm im”, chưa tăng giá các sản phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, giá cà phê nhân tăng cao nhưng doanh nghiệp chưa thể tăng các sản phẩm chế biến sâu từ hạt cà phê. Bởi các nhãn hàng thành phẩm đang phân phối khắp cả nước đã được doanh nghiệp chốt giá toàn hệ thống. Hơn thế nữa, việc thay đổi giá bán vào thời điểm kinh tế khủng hoảng, sức mua người dân giảm thấp sẽ đối diện rủi ro. Theo đó, người tiêu dùng và các nhà phân phối sẽ quay lưng với nhãn hiệu.

Xu hướng thị trường - Giá cà phê tăng kỷ lục nhưng sản phẩm chế biến sâu vẫn “nằm im”

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có hơn 212.000ha cà phê.

Phía doanh nghiệp đang chờ động thái từ các “ông lớn” trong ngành cà phê để đưa ra quyết định. Bởi nếu họ có điều chỉnh tăng thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh theo. Lúc đó là tất yếu và nhà phân phối cũng như người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Cũng theo ông Hữu, thời điểm hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp bán nguyên liệu vào kênh quán cà phê hoặc chỉ bán dạng online cá nhân, quy mô phân phối nhỏ mới có thể tăng giá vì mức độ ảnh hưởng thấp.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoài Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH G20 Coffee (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chưa tăng giá các sản phẩm do nguồn nguyên liệu đã liên kết nông dân, thu mua từ đầu vụ, ổn định chất lượng tại từ các vườn cây liên kết...

Xu hướng thị trường - Giá cà phê tăng kỷ lục nhưng sản phẩm chế biến sâu vẫn “nằm im” (Hình 2).

Nhiều doanh nghiệp cho biết, giá cà phê tăng kỷ lục khiến các đơn vị chế biến sâu gặp khó. 

Theo bà Trinh, thời gian tới, khi nguyên liệu cũ đã hết, phải nhập hàng mới, công ty sẽ điều chỉnh giá bán cho phù hợp với thị trường. Phía công ty đã thông báo đến các đối tác, sau ngày 30/4 sẽ áp dụng bảng giá mới. Tuy nhiên, mức giá mới sẽ ở mức phù hợp để khách hàng chấp nhận được, doanh nghiệp cũng hài hoà được lợi nhuận.

Còn theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Tp.Buôn Ma Thuột), giá cà phê tăng cao không chỉ khiến nguồn cung khan hiếm mà nhà sản xuất, chế biến cà phê còn mất đi khách hàng.

“Giá cà phê đầu vào tăng đặt ra bài toán phải tính toán lại giá đầu ra để doanh nghiệp không bị lỗ. Việc này cần các doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết, cùng hiệp lực thực hiện vượt qua khó khăn. Bởi nếu chỉ thực hiện riêng lẻ thì rất dễ bị đối tác quay lưng”, ông Vương chia sẻ.

Trong khi đó, ông Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH ÊĐê Café (Tp.Buôn Ma Thuột) cho rằng, thực tế, hiện nay, giá cà phê tăng kỷ lục nhưng người nông dân không được hưởng lợi gì. Bởi, vào thời điểm giá cà phê từ 60-70.000 đồng/kg thì hầu hết bà con đã bán hết để trang trải các chi phí đầu tư, nhân công... Do đó, khi giá cà phê tăng đến hơn 120.000 đồng/kg thì người dân không còn cà phê để bán nữa.

Xu hướng thị trường - Giá cà phê tăng kỷ lục nhưng sản phẩm chế biến sâu vẫn “nằm im” (Hình 3).

Giá cà phê tăng kỷ lục nhưng sản phẩm chế biến sâu vẫn “nằm im”. 

Đồng thời, giá cà phê tăng "phi mã" cũng khiến cho doanh nghiệp khó bán hàng và gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu về chế biến.

Anh Y Joan Byă (trú tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) lấy làm tiếc vì đã bán hết cà phê với giá 50.000 đồng/kg. Anh Y Joan lý giải, gia đình có hơn 1 héc-ta đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Vài năm trước, cà phê liên tiếp mất giá nên anh chuyển dần sang trồng sầu riêng. Vì thế, số cây cà phê trong vườn không còn bao nhiêu.

Ông Y Pốt cho biết thêm, trước khi tăng giá cà phê, doanh nghiệp của ông phải làm văn bản thông báo cho các đối tác trước 30 ngày đối với cà phê thành phẩm và từ 3-7 ngày đối với cà phê nhân. “Ban đầu, khi được thông báo tăng giá cà phê thì khách hàng hơi khó chịu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, hiểu được tình hình giá cà phê trên thị trường thì khách hàng cũng dần chấp nhận”, ông Y Pốt cho biết.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) thông tin, giá cà phê nhân tăng cao nhưng giá các sản phẩm chế biến sâu vẫn chưa có sự biến động nhiều. Một số quán cà phê có tăng nhưng không đáng kể, theo kiểu “nhỏ giọt”. Hiện các nhà rang xay đang thăm dò tình hình, thời gian tới nếu cà phê nhân vẫn neo ở mức cao thì họ sẽ điều chỉnh mức giá.

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh này hiện có hơn 212.000ha cà phê, giảm hơn 400ha so với niên vụ trước. Trong đó, có hơn 200.000ha cho sản phẩm, ước tính sản lượng đạt gần 559.000 tấn/năm.

Niên vụ cà phê 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt 318.483 tấn, giảm 76.459 tấn, tương đương giảm 19% so với niên vụ 2021-2022.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gia-ca-phe-tang-ky-luc-nhung-san-pham-che-bien-sau-van-nam-im-a46373.html