Một DN thép ở miền Nam cho biết bị ảnh hưởng nặng bởi biến động tỷ giá

Nhận định năm 2024, ông Võ Trí Nghĩa - Tổng Giám đốc HMC – cho rằng tình hình vẫn rất khó khăn chứ không hề khởi sắc như nhiều đánh giá trước đó.

Một DN thép ở miền Nam cho biết bị ảnh hưởng nặng bởi biến động tỷ giá- Ảnh 1.

CTCP Kim khí Tp.HCM (mã chứng khoán HMC) đã tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 3.036 tỷ - giảm 3% và lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng - giảm 24% so với năm 2023.

Nhận định năm 2024, ông Võ Trí Nghĩa - Tổng Giám đốc – cho rằng tình hình vẫn rất khó khăn chứ không hề khởi sắc như nhiều đánh giá trước đó. Có nhiều lý do cho dự báo này, cụ thể:

Thứ nhất, theo Tổng Cục Thống kê, quý 1/2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thứ hai, về mặt vĩ mô, ông Nghĩa cho biết lạm phát có thể tăng trở lại, tỷ giá vẫn trong xu hướng tăng, trong khi can thiệp của Nhà nước có giới hạn.

Thứ ba, xung đột địa chính trị cũng là một thách thức lớn, nhất là xung đột ở Biển Đỏ.

Cuối cùng, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam. Theo ông Nghĩa, biến động trong kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp và "sát sườn" tới Việt Nam.

Đặc biệt, biến động tỷ giá đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của HMC.

Trong năm 2024, HMC đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ ở mức 210.000 tấn; sản lượng thép nhập khẩu mục tiêu 55.000 tấn, tăng 13-15% so với cùng kỳ. Biến động mạnh trong tỷ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mảng nhập khẩu thép này dù HMC đang nỗ lực kiểm soát vấn đề này.

Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/VND ở mức 24.800, nhưng hiện tại đã tăng lên 25.500. Điều này gây thiệt hại lớn cho HMC” , ông nói.

Kết thúc quý 1/2024, HMC lãi 3,6 tỷ đồng – thực hiện được 23% kế hoạch lãi.

Nhìn lại năm 2023, ông Nghĩa nhận định đây là một năm khó khăn nhất kể từ sau đại dịch COVID-19. “Kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngành thép cũng đối mặt với nhiều thách thức. Giá thép liên tục giảm 19 lần và kéo dài suốt 3 quý. Hiếm có năm nào chứng kiến giảm giá thép đến mức như vậy”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép giảm. Năm 2023, lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục, nhưng số tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng. Điều này cho thấy cơ hội vẫn còn hạn chế. Nếu không có tiền ra thị trường, làm sao bất động sản có thể tăng trưởng. Quý 1/2024, tăng trưởng tín dụng thậm chí còn âm, đại diện HMC nhận định.

Trong bối cảnh đó, HMC ghi nhận doanh thu thuần gần 3.120 tỷ trong năm 2023, giảm 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng đạt hơn 21 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là do so với mức nền thấp.

Với kết quả này, Công ty dự định chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 8% cho năm 2023, tức mỗi cổ phiếu nhận 800 đồng.

Cũng trong năm 2023, Công ty đã quyết định tạm dừng dự án mở rộng xưởng gia công thép Vĩnh Lộc do vướng mắc thủ tục, đồng thời cũng chưa hoàn tất thương vụ bán cổ phiếu Thép Nhà Bè (hiện đã trích lập hơn 8 tỷ đồng).

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/mot-dn-thep-o-mien-nam-cho-biet-bi-anh-huong-nang-boi-bien-dong-ty-gia-a46874.html