Vì sao NHNN liên tiếp hủy đấu thầu vàng miếng?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Đây là lần thứ hai việc đấu thầu bị hoãn lại bởi cùng một lý do là thiếu thành viên dự thầu.

Duy nhất 1 doanh nghiệp nộp phiếu dự thầu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về viêc thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Như vậy, đây là lần thứ 2, việc đấu thầu bị hoãn lại bởi cùng 1 lý do là thiếu thành viên dự thầu. Trước đó, ngày 22/4, NHNN cũng đã thông báo hủy đấu thầu phiên đầu tiên.

Theo kế hoạch, NHNN thực hiện đấu thầu bán vàng miếng vào sáng 25/4. Tổng khối lượng đấu thầu vàng miếng không đổi so với phiên đấu thầu trước đó vào ngày 23/4 (16.800 lượng vàng miếng SJC). Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc tăng mạnh 1,6 triệu đồng/lượng so với phiên đấu thầu liền trước, lên đến 82,3 triệu đồng/lượng.

Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 01 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

Trước đó, tại phiên đấu thầu ngày 23/4, chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng số vàng trúng thầu là 3.400 lượng, tương đương 20% lượng vàng mang ra đấu thầu. Như vậy, có đến 80% lượng vàng NHNN mang ra đấu thầu bị "ế".

Vì sao NHNN liên tiếp hủy đấu thầu vàng miếng?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với đấu thầu vàng miếng?

Trong thông báo gửi mời đấu thầu, NHNN cho biết: Trong trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, NHNN được quyền hủy kết quả, như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn.

Bên cạnh việc họ phải đấu thầu theo thị trường, giá vàng lúc lên lúc xuống khó kiểm soát, bây giờ đấu thầu vàng của NHNN xong lại thông báo đối tác họ không cung cấp đủ. Như vậy NHNN không phải bồi thường, phía doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng lại chịu rủi ro.

Để thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị vào các phiên đấu thầu cũng như đảm bảo thành công cho các phiên đấu thầu tiếp theo, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải xây dựng được mức giá phù hợp để người đấu thầu tính toán được lợi ích của họ.

Về phần đặt cọc cũng phải xem xét, hiện nay đặt cọc đang là 10%, đây cũng được nhận định là mức cọc khá lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc, vị chuyên gia này nêu ý kiến.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng đang bất hợp lý như hiện nay.

Việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại và tuân theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Theo quan điểm của TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc đều đặn bổ sung nguồn cung bằng cho cách cho nhập khẩu vàng sẽ giúp chênh lệch giá vàng thu hẹp.

TS. Đinh Thế Hiển lưu ý, để cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, trước hết cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng, từ đó có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vi-sao-nhnn-lien-tiep-huy-dau-thau-vang-mieng-a47013.html