Vietcombank dự kiến nhận chuyển giao CBBank trong năm nay: Sẽ được hưởng nhiều lợi ích về tín dụng và cơ chế

Theo ban lãnh đạo Vietcombank, tiến độ chuyển giao sẽ tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024.

Sáng nay (27/4) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank ) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.

Tại Đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về quá trình nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai thì sẽ trong năm 2024. Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình. Ngân hàng đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ: rà soát quy định nội bộ và phát hiện ra hơn 300 gaps (khoảng trống, thiếu sót). Hiện đã chỉ còn 20 gap về quy trình, quy chế.

Vietcombank cũng tổ chức tiểu ban rà soát mạng lưới, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với cán bộ quản lý, nhân viên, phát hiện gap về trình độ, chuyên môn và xây dựng chương trình đào tạo, sớm hòa nhập theo tiêu chuẩn. Ngân hàng cũng thành lập tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho TCTD yếu kém nhận chuyển giao.

Về công nghệ thông tin, Vietcombank đã cử chuyên gia đồng hành cùng TCTD yếu kém để đánh giá chất lượng, năng lực, có giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động liên tục, hạn chế rủi ro. Vietcombank là ngân hàng có vai trò chủ lực của Chính phủ, NHNN có trách nhiệm thực hiện xử lý TCTD yếu kém, góp phần vào đảm bảo ổn định, hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Đảm bảo toàn hệ thống thì mới đảm bảo được an toàn từng tổ chức. Sẽ có những giải pháp hỗ trợ phù hợp quy định pháp luật, hạn chế tác động.

"Về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập, …", ông Tùng cho biết.

Nói thêm về những lợi ích Vietcombank được nhận, ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT cho biết, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số). 

"Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này", ông Hùng thông tin.

Vietcombank dự kiến nhận chuyển giao CBBank trong năm nay: Sẽ được hưởng nhiều lợi ích về tín dụng và cơ chế- Ảnh 1.

Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, Vietcombank đã xin ý kến và được cổ đông thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB).

Theo tài liệu báo cáo đại hội khi đó, Vietcombank cho biết, việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông.

Theo đó, hoạt động này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì. Cụ thể, Vietcombank sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB bao gồm:

Vietcombank được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế;

Bên cạnh đó, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu Vietcombank đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận CGBB TCTD; Vietcombank được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của TCTD); Vietcombank được mở thêm Chi nhánh/PGD trên các địa bàn tỉnh thành phố với số lượng tối thiểu bằng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có số chi nhánh/PGD thấp nhất trên địa bàn.

Ngoài ra, Vietcombank không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận CGBB với tư cách là một ngân hàng con của VCB, các giao dịch liên quan đến tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn,…

Ban lãnh đạo, Vietcombank chưa chính thức công bố về ngân hàng mà nhà băng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc, song lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) từng cho biết sẽ chuyển giao bắt buộc về Vietcombank.

Bên cạnh đó, hiện Vietcombank cũng đang hỗ trợ cho vay và hỗ trợ toàn diện CBBank, từ thay đổi về mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu…

Chia sẻ tại đại hội cổ đông năm nay, Phó Tổng Giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cũng cho biết, từ 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Đến nay, đã triển khai phương án hỗ trợ kỹ thuật ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023. Do quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Trong quý I, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vietcombank-du-kien-nhan-chuyen-giao-cbbank-trong-nam-nay-se-duoc-huong-nhieu-loi-ich-ve-tin-dung-va-co-che-a47317.html