Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các đối tác, chuyên gia, hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế của khu vực và có điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển vùng.
Nơi đây có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Với bờ biển dài 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam.
Địa hình ở Ninh Thuận được bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh Quốc gia; vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Thế giới; khu du lịch Bình Sơn-Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm Quốc gia; văn hóa Chăm đặc sắc với các làng nghề truyền thống gốm, dệt thổ cẩm cổ nhất Đông Nam Á, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới… Những yếu tố tạo cho Ninh Thuận có tiềm năng, thế mạnh riêng để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND Ninh Thuận nhấn mạnh, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Đưa Cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030; đường sắt cao tốc Bắc Nam, đã hoàn thành và tổ chức khánh thành chiều nay 28/4 đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua tỉnh, cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn I đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025..., mang lại ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg, ngày 10/11/2023 đã nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.
Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là: kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Quy hoạch tập trung phát triển 3 hành lang gồm: Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông-Tây tạo kết nối vùng, liên vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng.
Tỉnh xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về Cảng biển, Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics, Khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-cong-bo-quy-hoach-tinh-ninh-thuan-a47429.html