Hoà Phát sắp phát hành 581 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 64.000 tỷ

Hòa Phát vừa công bố phương án chi tiết phát hành 581,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) mới công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023.

Tập đoàn dự kiến phát hành gần 581,5 triệu cổ phiếu với tỉ lệ phát hành 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Nguồn vốn phát hành sẽ lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối 2023 với các thứ tự lần lượt như sau: Thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến là 2.603 tỷ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến từ quý II/2024 và sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của Hoà Phát sẽ tăng từ 58.148 tỷ đồng lên 63.963 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu toàn tập đoàn đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Với mục tiêu này, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát tăng lần lượt 17% và 46% so với kết quả năm 2023.

Về phương án phân phối lợi nhuận, 6.800 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2023 dự kiến được trích 408 tỷ đồng vào các quỹ. Lợi nhuận sau trích lập còn lại 6.392 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo dự kiến năm 2024 doanh thu sẽ tăng so với năm 2023 phần lớn từ sản lượng với kỳ vọng sự trở lại của các nhà phát triển bất động sản sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành. Tuy nhiên, mặt khó khăn là giá nguyên liệu xu hướng tăng, giá bán không tăng tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất tiếp tục duy trì trạng thái cao.

Năm 2024, Hòa Phát dự định trích tối đa 5% lợi nhuận thực đạt cho quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích tối đa 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để thưởng ban điều hành tập đoàn và ban điều hành các công ty thành viên.

Về tình hình kinh doanh, quý I/2024 doanh thu của tập đoàn đã tăng 16% lên 30.852 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 7%. Điều này lý giải cho xu hướng biên lợi nhuận dày lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

So với quý IV/2023, tuy doanh thu quý này giảm xuống do ảnh hưởng từ sản lượng thép xây dựng nhưng mức độ giảm của doanh thu và giá vốn hàng bán là khá tương đồng. Quý đầu năm, biên lợi nhuận gộp của tập đoàn tăng từ 13% quý IV/2023 lên 13,4% còn biên lợi nhuận thuần tăng từ 8,6% lên 9,2%.

Hoà Phát cho biết giá thép xây dựng thị trường Việt Nam đã tăng từ tháng 11/2023, kéo dài đến tháng 1/2024 và bắt đầu có một vài nhịp điều chỉnh giảm vào cuối quý. Giá thép cuộn cán nóng đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm đầu năm, cùng với sự ổn định trong sản lượng tiêu thụ của sản phẩm này là động lực tăng trưởng doanh thu của tập đoàn trong quý này, bù đắp một phần cho sụt giảm về doanh thu của sản phẩm thép xây dựng.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu không có quá nhiều biến động lớn trong kỳ. Việc vận hành đầy đủ lò cao trong quý này cũng giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí khấu hao trong giá thành đơn vị của sản phẩm so với thời điểm trước.

Báo cáo của tập đoàn cũng nêu rõ từ quý IV/2023, khu liên hợp Dung Quất của Hòa Phát đã đạt được năng lực tự chủ hoàn toàn về điện, hạ đáng kể chi phí năng lượng trong giá thành của các loại sản phẩm thép được sản xuất ra.

Kết quả, Hoà Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.869 tỷ quý đầu năm, gấp 7,2 lần cùng kỳ năm 2023.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/hoa-phat-sap-phat-hanh-581-trieu-co-phieu-nang-von-dieu-le-len-64000-ty-a47467.html