Là người đầu tiên nhận được điện báo miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, người cán bộ mất vài giây ngỡ ngàng, sau đó òa trong niềm vui sướng vì thông tin quá quan trọng và phải lấy giấy bút để ghi lại cho chắc chắn thông tin từ phía bên kia. Người được chứng kiến giây phút nghe tin báo về giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 chính là ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ký ức vẫn nguyên vẹn
Dù ở tuổi 87 nhưng ông Nguyễn Túc vẫn nhớ như in khoảnh khắc của 49 năm về trước, khi ông nhận được cuộc gọi báo tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Trò chuyện với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Túc bồi hồi nhớ lại những giây phút thiêng liêng ấy. Ông Túc kể, vào tháng 4/1975, ông là thư ký của ông Hoàng Quốc Việt (khi ấy là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao).
Trưa 30/4/1975, mấy anh em trong nhóm thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt (ông là phụ trách nhóm thư ký-PV) đang chuẩn bị ăn cơm thì bỗng có tiếng chuông điện thoại reo liên tục. Bữa ăn bỗng chốc bị gián đoạn. Khi ông chạy vội lại nghe thì đầu dây bên kia có một giọng rất lính, cứng rắn hỏi “đồng chí là ai?”. Sau đó ông bình tĩnh trả lời: “Tôi là Nguyễn Túc, thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt”. Tiếng người đầu dây bên kia nói: “Thưa đồng chí, được lệnh của Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, đề nghị đồng chí báo cáo đồng chí Hoàng Quốc Việt thông tin 11h30, quân ta đã giải phóng miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng! hết”.
Sau một vài giây lặng đi vì ngỡ ngàng, ông liền trấn tĩnh lại và trả lời đầu dây bên kia: “Thông tin quan trọng quá. Đề nghị đồng chí đọc chậm để tôi ghi chép".
Kể tới đây, ông Túc nghẹn lại, xúc động chia sẻ, thông tin quá bất ngờ làm tất cả mọi người đều vỡ oà trong niềm vui sướng, ban đầu ông còn không dám tin vào tai mình. Mọi người trong tổ thư ký khi đó đều muốn hô vang thật to. Rồi ngay sau đó, mọi người trong tổ thư ký đã bỏ luôn bữa cơm trưa, chẳng ai ăn cơm được nữa, chạy ngay sang phòng của đồng chí Hoàng Quốc Việt để báo cáo tin chiến thắng.
Lúc đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng bất ngờ và quá đỗi vui mừng, ông lấy ngay chai rượu gấc, rót cho những người khác uống mừng. Bữa "liên hoan” hôm đó quá vui, không có lời nào mô tả được.
Khi có đông đủ mọi người, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho biết: “Thế là ý nguyện, di chúc của Bác Hồ đã thành hiện thực. Ý chí thống nhất đất nước, khát vọng hòa bình của nhân dân ta đã thành hiện thực”.
Vẫn còn lâng lâng cảm giác chiến thắng của gần 50 năm về trước, ông kể tiếp, theo chương trình, buổi chiều hôm đó sẽ diễn ra lễ mít tinh chào mừng ngày Quốc tế lao động 1/5/1975. Tuy nhiên, ngay buổi chiều hôm đó, Bộ Chính trị đã quyết định mít tinh được chuyển sang sáng hôm sau (1/5/1975).
Thời điểm đó, bài diễn văn được ông Túc viết cách đúng một tuần, đã được tập thể Ban thư ký Tổng Công đoàn góp ý và lãnh đạo cấp trên thông qua. Mạch văn vẫn là “thừa thắng xông lên”, “tiếp tục tiến công, tiếp tục nổi dậy”, “miền Bắc không tiếc máu xương vì miền Nam ruột thịt…” với chiến thắng hôm nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.
Ông Túc kể, các phần khác có thể sửa nhanh nhưng riêng thái độ của Việt Nam với Mỹ và tướng lĩnh sĩ quan Ngụy lại là vấn đề hệ trọng. Sau một hồi trao đổi, mọi người quyết định sang xin ý kiến đồng chí Trường Chinh. Hồi đó đồng chí Trường Chinh là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác lý luận, tư tưởng và là Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí Trường Chinh lý giải rằng, đây là vấn đề lớn, là đường lối của Đảng, Nhà nước ta đối với kẻ thù sau chiến thắng. Tôi và anh không tự định đoạt được. Chúng ta cùng sang chỗ anh Ba (đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc đó)”, ông Túc hồi tưởng.
Theo lời kể của ông, đồng chí Trường Chinh ở nhà số 3, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhà số 5, còn đồng chí Lê Duẩn ở cuối ngõ số 7 đường Nguyễn Cảnh Chân. Chưa đầy 10 phút đi bộ, các đồng chí đã gặp nhau.
“Trước mặt tôi là cảnh hết sức xúc động. Ba nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt ôm chầm lấy nhau, vừa cười mà nước mắt cứ rơi. Mọi người cũng không ngờ nhanh đến thế. Tôi đã sửa lại bài diễn văn mít tinh như đồng chí Hoàng Quốc Việt dặn.
Càng về sau càng thấm thía được tư tưởng hòa hiếu của ông cha mình đã thấm vào những người lãnh đạo qua các thế hệ. 35 năm đổi mới với phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế thì tôi càng hiểu rõ hơn", ông Túc kể lại.
Chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
Ông Nguyễn Túc khẳng định, chiến thắng của trận chiến 30/4/1975 là chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đồng thời khẳng định tinh thần hoà hiếu, nhân nghĩa của dân tộc ta.
Ngắt mạnh câu chuyện diễn ra cách đây gần 50 năm, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, là thế hệ sinh sau ngày giải phóng, được sống trong hòa bình, các thế hệ sau này cần mãi tự hào và biết ơn sự hi sinh to lớn của các anh hùng đã chiến đấu anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tin vào tinh thần quật cường bất khuất của quân và dân ta.
Theo ông Túc, lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho thế hệ trẻ biết trân trọng hiện tại và vun đắp tương lai bằng việc dùng sức trẻ, trí tuệ hòa nhập vào môi trường kiến thiết đất nước ngày càng phồn vinh, cường thịnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chính vì vậy, từ sự tự hào và niềm tin vững chắc, kiên định đi theo con đường của Đảng đã chọn, thế hệ trẻ Việt Nam cần tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đường lối, chủ trương của Đảng đề ra.
Lê Liên – Đỗ Chang
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/hoi-uc-cua-nguoi-nhan-cuoc-goi-lich-su-da-giai-phong-mien-nam-a47543.html