Mẫu xe đạp của Việt Nam từng được bán với giá nửa cây vàng, nhiều quốc gia đặt mua

Đây là mẫu xe đạp từng bán với giá khoảng nửa cây vàng và được nhiều người ưa chuộng.

Đó là xe đạp Thống Nhất. Đây là chiếc xe đạp đầu tiên do người Việt chế tạo vào năm 1960, với thương hiệu Thống Nhất. Cách đây mấy chục năm, xe đạp Thống Nhất được coi là cả gia tài khi có giá khoảng nửa cây vàng. Thời đó, xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người. Đây thậm chí còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới.

Trên mỗi chiếc xe Thống Nhất có hơn 100 chi tiết. Trải qua mấy chục năm, giờ đây, xe đạp Thống Nhất đã được thay đổi và mang một diện mạo mới để phù hợp hơn với xu hướng phát triển của xã hội. 

Mẫu xe đạp của Việt Nam từng được bán với giá nửa cây vàng, nhiều quốc gia đặt mua- Ảnh 1.

Xe đạp Thống Nhất được sản xuất từ năm 1960 và từng có giá bán lên tới nửa cây vàng. Ảnh: Pinterest

Hiện nay, xe đạp Thống Nhất được sản xuất trực tiếp ở nhà máy của Công ty CP Thống Nhất Hà Nội, với dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, đáp ứng theo những tiêu chuẩn quản lý và vận hành của Nhật Bản và các quốc gia tiên tiến. Trên thực tế, để sản xuất ra một chiếc xe đạp Thống Nhất sẽ cần phải trải qua 3 công đoạn chính, bao gồm sản xuất khung xe; sơn và dán tem xe; lắp ráp hoàn chỉnh.

"Nghĩ đến xe đạp, Nghĩ về Thống Nhất"

Mẫu xe đạp của Việt Nam từng được bán với giá nửa cây vàng, nhiều quốc gia đặt mua- Ảnh 2.

Phân xưởng lắp ráp xe đạp trong nhà máy xe đạp Thống Nhất. Ảnh: Thống Nhất

Đây là slogan quen thuộc và dễ nhớ của xe đạp Thống Nhất. Trải qua hơn 60 năm phát triển và đồng hành, xe đạp Thống Nhất luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng sử dụng. Đứng sau thành công của thương hiệu xe đạp này là Công ty CP Thống Nhất Hà Nội. Ngày 30/6/1960, Công ty CP Thống Nhát Hà Nội, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập. Đến tháng 9/1933, Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất được chuyển thành Công ty Xe máy Xe đạp Thống Nhất, theo Quyết định 5563/QĐ-UB ngày 29/9/1993 của UBND TP Hà Nội.

Tháng 11/2005, Công ty xe máy xe đạp Thống Nhất chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thống Nhất, theo Quyết định số 162/2005/QĐ-UB ngày 18/10/2005 của UBND TP Hà Nội.

Tháng 1/2011, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thống Nhất chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, theo Quyết định số 287/QĐ-TN ngày 18/1/2011 của UBND TP Hà Nội. Công ty tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Đến ngày 27/2/2017, xe đạp Thống Nhất chính thức cổ phần hóa và chuyển đổi toàn diện về mô hình hoạt động, từ sản xuất tới kinh doanh, theo tiêu chuẩn hiện đại của quốc tế. Theo Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 8/2/2017, Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất chuyển đổi thành Công ty CP Thống Nhất Hà Nội.

Mẫu xe đạp của Việt Nam từng được bán với giá nửa cây vàng, nhiều quốc gia đặt mua- Ảnh 3.

Xe đạp Thống Nhất ngày càng được cải tiến với nhiều mẫu mã đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là chiếc xe đạp thể thao Thống Nhất Touring Blade. Ảnh: Thống Nhất

Công ty CP Thống Nhất Hà Nội đã trải qua một quá trình đổi mới toàn diện. Tính đến năm 2021, từ 30 cửa hàng đại lý ban đầu, công ty đã mở rộng được 500 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc và trở thành thương hiệu xe đạp có hệ thống phân phối lớn nhất ở Việt Nam. Công ty đã tiến hành năng cấp cả về hệ thống sản xuất và công nghệ, đồng thời liên tục đổi mới về mẫu mã và kiểu dáng của xe đạp.

Theo ông Đinh Vũ Minh Việt, Tổng giám đốc của Công ty CP Thống Nhất Hà Nội, chiến lược mới của Thống Nhất sau khi thực hiện cổ phần hóa là tiến hành tập trung khai thác ngay ở những điểm bán lẻ trên diện rộng, thay đổi chính sách bán hàng, truyên thống tại điểm bán, tài trợ, tiếp cận những kênh dự án…

Kết quả, đến năm 2022, Thống Nhất đã mở rộng được hệ thống phân phối ở thị trường miền Nam, với việc hợp tác cùng những trung tâm thương mại AEON và Điện Máy Xanh. Cũng trong năm này, Công ty CP Thống Nhất đã bán được hơn 100.000 chiếc xe đạp, đạt doanh thu lên tới 142 tỷ đồng và 14 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 42% so với cùng kỳ. Đây chính là doanh số bán xe đạp cao nhất mà công ty này đạt được, kể từ sau khi cổ phần hóa.

Năm 2023, ban lãnh đạo của Công ty CP Thống Nhất đã đặt mục tiêu doanh thu là 200 tỷ đồng, với doanh số 154.000 chiếc xe đạp bán ra. Công ty cho ra mắt 5 sản phẩm mới và thực hiện những chương trình quảng bá để lan tỏa thương hiệu xe đạp nổi tiếng.

Kể từ khi cổ phần hóa năm 2017 đến nay, bên cạnh việc tập trung phát triển vững chắc thị trường nội địa, Công ty CP Thống Nhất đã và đang nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu tới những quốc gia trên các châu lục như Mỹ, Anh, Đức, Malaysia, Singapore… Mục tiêu chính của công ty hiện này là phát triển thêm các mẫu mã xe mới vừa an toàn vừa thân thiện với người sử dụng và môi trường.

Có thể thấy rằng bằng những nỗ lực không ngừng để thích ứng với thị trường và cạnh tranh với các thương hiệu khác, xe đạp Thống Nhất đang từng bước trở lại và được nhiều người trong, ngoài nước ưa chuộng, nâng tầm giá trị sản phẩm "Made in Vietnam" trên trường quốc tế.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/mau-xe-dap-cua-viet-nam-tung-duoc-ban-voi-gia-nua-cay-vang-nhieu-quoc-gia-dat-mua-a47557.html