Fahasa lãi ròng hơn 15,5 tỷ trong quý 1/2024, vừa chi 5 tỷ “tái sinh” nhà sách lâu đời nhất Việt Nam tại cung đường đắc địa Nguyễn Huệ

Fahasa là thương hiệu nhà sách có thâm niên tại Việt Nam. Năm 2023, Fahasa ghi nhận doanh thu 3.902 tỷ, lợi nhuận kỷ lục với 70 tỷ đồng.

CTCP Phát hành Sách Tp.HCM (Fahasa) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu 714 tỷ đồng - tăng 15 tỷ so với cùng kỳ năm 2023. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận gộp công ty vào mức 224 tỷ đồng - tăng hơn 3%. Doanh thu tài chính trong kỳ tăng nhẹ, các chi phí biến động không đáng kể...

Khấu trừ, lợi nhuận sau thuế Fahasa quý đầu năm hơn 15,5 tỷ - tăng nhẹ so với quý 1/2023. Tính đến thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản Công ty hơn 1.388,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền, tương đương tiền và các khoản tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn gần 440 tỷ đồng, hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng lớn với hơn 735 tỷ đồng.

Fahasa là thương hiệu nhà sách có thâm niên tại Việt Nam. Năm 2023, Fahasa ghi nhận doanh thu 3.902 tỷ, lợi nhuận kỷ lục với 70 tỷ đồng - tăng 53% so với năm 2022. Fahasa cũng đã khai trương 5 Nhà sách mới trong năm này.

Theo Fahasa, lợi nhuận năm qua tăng trưởng tốt nhờ Công ty chú trọng đầu tư vào công nghệ. Đặc biệt, công nghệ quản lý danh mục tại Fahasa hiện có thể đo đếm được nhu cầu khách hàng từng loại sản phẩm trước 10 ngày (hiện Fahasa có danh mục sản phẩm đến 400.000 SKUs). Theo đó, Công ty có thể cân đối tăng số lượng hàng nếu khách đang chuộng, hoặc chủ động giảm tồn kho mặt hàng khách không mua nhiều nữa, giúp hoạt động hiệu quả hơn.

Năm 2024, Fahasa dự báo thị trường vẫn còn khó khăn, nhưng sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm các nhà sách mới. Mới đây, Fahasa đã hoàn tất tân trang và khai trương Nhà sách Nguyễn Huệ (vị trí đắc địa tại trung tâm Tp.HCM). Ngoài khu vực hàng hoá, Nhà sách có bố trí Khu trải nghiệm, khu đọc sách để khách hàng có thể ngồi đọc sách thư giãn, tham gia các chương trình giao lưu giới thiệu sách… Tổng chi phí đầu tư cơ sở vật chất hơn 5 tỷ đồng.

Đáng nói, Nhà sách Nguyễn Huệ là một trong những nhà sách lâu đời nhất Sài Gòn. Từ năm 1976, tòa nhà số 40 Nguyễn Huệ ban đầu được sử dụng là Văn phòng Quốc doanh phát hành sách TPHCM. Đến đầu những năm 1980, số 40 Nguyễn Huệ chính thức được xây dựng trở thành Nhà sách Nguyễn Huệ và hoạt động xuyên suốt từ đó đến nay. Đây là Nhà sách Quốc văn tổng hợp đầu tiên được xem là một trong những Nhà sách chính tại Tp.HCM với thời gian tồn tại gần 50 năm phục vụ bạn đọc. Nhiều năm qua Nhà sách Nguyễn Huệ đã trở thành một địa điểm quen thuộc của nhiều thế hệ người dân không chỉ trong nước và còn cả khách nước ngoài.

Công ty cũng cho biết hè này sẽ khai trương thêm nhà sách Phạm Văn Đồng, cũng như triển khai nhiều dự án lớn như Fahasa Huế với diện tích gần 900m2 vào tháng 8/2024 tại Aeon Mall Huế. Công ty còn có kế hoạch mở thêm các Nhà sách mới ở những thị trường nhỏ như Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hà Giang, Điện Biên… Việc mở nhà sách ở những thị trấn theo lãnh đạo Fahasa là chiến lược của Công ty nhằm nuôi dưỡng thế hệ khách hàng. Bởi, khi khách hàng đi Fahasa ở thị trấn của họ rồi, lớn lên vô Tp.HCM sinh sống cũng sẽ đi Fahasa.

Với chiến lược trên, Fahasa dự kiến doanh thu năm 2024 đạt 4.000 tỷ đồng.

Khi được hỏi tại sao Fahasa vẫn mở nhà sách truyền thống trong khi xu hướng bán hàng online lên cao, ông Thuận cũng nhấn mạnh: mảng Online trong thị trường nhà sách chỉ mạnh với nhóm khách hàng từ 18-25 tuổi, và cũng chỉ mạnh ở một số mặt hàng nhất định.

Thực tế, đối tượng khách hàng tại Fahasa rộng hơn, và hiện Fahasa đang đi cùng các TTTM. Với các chủ đầu tư TTTM, khi họ khai thác đã phân tích rất kỹ mọi mặt, và họ cũng rất kỹ để chọn nhưng nhãn hiệu đi cùng, trong đó phân khúc nhà sách họ chọn Fahasa.

Tính đến nay, Fahasa có Hệ thống hơn 120 nhà sách tại 47 tỉnh thành trên toàn quốc, tổng mức đầu tư phát triển mạng lưới Fahasa năm 2023 là 50 tỷ đồng. Công ty cũng đẩy mạnh mảng TMĐT và sẵn sàng làm sách nói nếu khách hàng cần, bởi phương châm kinh doanh của Công ty là "lắng nghe khách hàng".

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/fahasa-lai-rong-hon-155-ty-trong-quy-12024-vua-chi-5-ty-tai-sinh-nha-sach-lau-doi-nhat-viet-nam-tai-cung-duong-dac-dia-nguyen-hue-a47935.html