Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 28.268 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so sánh cùng kỳ 2023. Tỉ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines đã đạt 65%, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy vào năm 2021. Tỉ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế cũng đã tiệm cận mức trước đại dịch, đang rất gần với mức của quý I/2019.
Sau khi trừ giá vốn, Vietnam Airlines lãi gộp hợp nhất đạt gần 4.085 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính giảm 62,5% còn 137 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí của Vietnam Airlines đều đồng loạt tăng; điển hình như chi phí tài chính lại tăng gần gấp đôi lên mức 1.470 tỷ đồng do khoản lỗ chênh lệch tỉ giá tăng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt đạt mức 1.389 tỷ đồng và 517 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ, kết quả Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp Vietnam Airlines ghi nhận tăng đột biến khoản mục Thu nhập khác, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý I/2024
Trước đó, Pacific Airlines thông báo đã tạm ngưng khai thác từ ngày 18/3/2024 do không còn máy bay. Hãng đã xóa nợ thành công 220 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng với chủ nợ là đối tác cho thuê máy bay. Đổi lại, hãng hoàn trả tất cả tàu đang khai thác tại Việt Nam.
Sau khi trừ các chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt hơn 4.528 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 đạt 4.441 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi quý lớn nhất lịch sử của hãng bay này.
Với việc báo lãi trong quý I, hãng hàng không quốc gia đã chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài 16 quý liên tiếp (từ quý I/2020 đến nay). Sau 4 năm, lần đầu tiên Vietnam Airlines đã biết đến niềm vui có lãi.
Sự hồi phục ấn tượng của mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm theo quy luật thị trường hàng năm là các nhân tố chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines tăng trưởng trong ba tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, theo Vietnam Airlines, một yếu tố quan trọng khác giúp gia tăng doanh thu của hãng trong quý I/2024 là việc hãng đã thúc đẩy nâng cấp chất lượng dịch vụ và chuyển đổi số, qua đó gia tăng thu hút phân khúc khách doanh thu cao.
Cụ thể, hãng tiếp tục chiến lược nâng tầm dịch vụ với các cải tiến từ mặt đất đến trên không, như nâng cấp chất lượng dịch vụ phòng chờ Thương gia, triển khai phương thức đưa khách ra cửa tàu bay mới, đổi mới thực đơn trên không áp dụng hệ thống giải trí không dây Airfi trên toàn bộ đội tàu thân hẹp Airbus A321, đa dạng hóa các chương trình giải trí…
Theo thống kê của Vietnam Airlines, trong quý I/2024, Vietnam Airlines khai thác 28.287 chuyến, tăng 10% so với cùng kỳ 2023 và dẫn đầu toàn ngành với 42,5% thị phần số chuyến bay. Nếu tính thêm các hãng thành viên gồm Pacific Airlines và VASCO, thị phần này của Vietnam Airlines Group đạt 48,5%.
Tổng số khách của hãng bay này trong quý I/2024 đạt hơn 5,74 triệu lượt khách, tăng trưởng 12,7% so sánh cùng kỳ. Tỉ lệ lấp đầy chuyến bay của Vietnam Airlines là 86% với thị trường nội địa, 80% với thị trường quốc tế, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh kết quả kinh doanh cải thiện, Vietnam Airlines cũng tích cực triển khai các hoạt động hợp tác - tài trợ xúc tiến du lịch - thương mại như đồng hành cùng Năm du lịch quốc gia Điện Biên, Festival Huế, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng; tái ký kết hợp tác phát triển kinh tế -xã hội với các tình thành trên cả nước.
Đến nay, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Theo đề án, trong năm 2024-2025, hãng bay này sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN thời gian qua đã biến động tích cực tương ứng với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, cổ phiếu HVN tăng trần 6,94% lên mức giá 18.500 đồng/cố phiếu, với khối lượng giao dịch hơn 6,7 triệu đơn vị. Vốn hóa của Vietnam Airlines hiện nay đạt 40.966 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD.
Xu hướng phục hồi chung toàn ngành
Phục hồi và khởi sắc là xu thế chung của thị trường hàng không toàn cầu sau Covid. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường vận tải khách quốc tế trong năm 2023 chiếm 60,1% tổng lượng khách luân chuyển (RPK) toàn cầu, cao hơn đáng kể so với mức đáy 37,6% của năm 2021 và gần với con số 63,8% của năm 2019.
IATA cũng dự báo doanh thu của các hãng bay toàn cầu có thể tăng trưởng 7,6% lên mức kỷ lục 964 tỷ USD trong năm 2024. Lợi nhuận hoạt động năm nay được kỳ vọng đạt 49,3 tỷ USD. Lợi nhuận ròng cũng được dự báo tăng trưởng 10% lên 25,7 tỷ USD.
IATA còn dự báo sẽ có khoảng 4,7 tỷ người đi máy bay trong năm 2024, vượt qua mức đỉnh cũ là 4,5 tỷ người vào năm 2019. Sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không năm nay có thể đạt 61 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với 2023.
Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng không quốc tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng 49,4% về lượng khách luân chuyển (RPK) và 50,2% về lượng ghế luân chuyển (ASK), nhanh hơn tất cả các khu vực khác. Hệ số tải hành khách (PLF) đạt 83,8%, đứng thứ 2 toàn cầu.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vietnam-airlines-bao-lai-ky-luc-co-phieu-tang-tran-a47975.html