Giá vàng SJC hôm nay lập kỷ lục mới sát 86 triệu đồng/lượng, còn tăng đến bao giờ?

Hôm nay, giá vàng SJC tiếp tục lập đỉnh mới, khi tiến sát mốc 86 triệu đồng/lượng và biến động ngược chiều thế giới.

Chiều nay ngày 3/5, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã điều chỉnh tăng giá bán vàng SJC lên sát mốc 86 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử. 

Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83,5-85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) cũng neo giá vàng SJC ở ngưỡng tương tự. Trong khi đó, VietinBank Gold điều chỉnh giá vàng lên 83,5-85,82 triệu đồng/lượng.

Trước đó vào ngày 15/4, giá vàng SJC cũng từng xác lập đỉnh (cho đến thời điểm ấy) là 85,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên mốc này cũng không giữ được lâu mà ngay sau đó rơi về quanh 83-84 triệu đồng/lượng. 

Giá vàng trong nước tăng mạnh trái ngược hẳn với vàng thế giới khi giá thế giới đang lao dốc và để tuột mốc 2.300 USD/ounce. Tại thời điểm 18h00 ngày 3/5, giá vàng chỉ còn quanh 2.297 USD, tương đương khoảng 70,5 triệu đồng/lượng. Sự lệch pha và biến động ngược chiều đã kéo giãn chênh lệch với giá vàng trong nước lên tới 15 triệu đồng. 

Giá vàng SJC hôm nay lập kỷ lục mới sát 86 triệu đồng/lượng, còn tăng đến bao giờ?- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng SJC trong vòng 1 tháng qua. Chart: CAFEF.

Giá vàng trong nước và thế giới đã biến động trái chiều nhau khá nhiều lần và chênh lệch rất lớn. Trước diễn biến này, từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo về việc tổ chức đấu thầu vàng miếng đầu tiên vào ngày 22/4. Tuy nhiên, phiên đấu thầu vàng lần đầu tiên sau hơn chục năm lại bị hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp tham gia. Đến ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC và chỉ có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng) trên tổng số 16.800 lượng chào bán.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục 2 lần phát đi thông báo đấu thầu vàng miếng nhưng cả 2 lần đều bị hủy. Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu tới thời điểm này thì có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. 

Việc đấu thầu vàng của NHNN đã có tác động rất lớn tới diễn biến giá vàng. Cụ thể, trong những ngày Ngân hàng Nhà nước thông báo tổ chức đấu thầu, giá vàng SJC đều có diễn biến giảm mạnh trong đầu phiên sáng, sau đó đảo chiều tăng mạnh trở lại (sau khi thông báo huỷ thầu hoặc bán được ít).

Giới chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng miếng chưa phải là phương án hữu hiệu để giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới. Với biến động chính trị thế giới như hiện nay, giá vàng trong nước vẫn có động lực để tăng. Mặc khác, do giá vàng tăng giảm mạnh nên xu hướng của người dân vẫn đổ tiền vào kênh đầu tư này để "lướt sóng". Nhu cầu mua vàng của người dân cao tiếp tục đẩy giá vàng SJC gia tăng. 

Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, vàng vẫn là kênh đầu tư hút tiền. Ông Hiếu cho rằng, với nhà đầu tư, lợi nhuận chỉ là một phần động cơ khiến người dân xuống tiền. Trong bối cảnh chứng khoán vẫn biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp thì, nhà đầu tư chọn vàng như kênh trú ẩn an toàn, thanh khoản dễ dàng. Trong khi, lợi nhuận của vàng hiện dao động khoảng 10%.

Vị chuyên gia này đưa ra phân tích, khi nền kinh tế ổn định, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hồi phục, giá vàng có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Ở chiều ngược lại, khi kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, giá vàng còn tăng do tâm lý của người dân Việt chuộng mua vàng để tích trữ. 

Ông Hiếu còn dự báo, sắp tới, giá vàng sẽ còn tăng rất nóng. Nếu như Nghị định 24 không sửa đổi và sự can thiệp từ các cơ quan quản lý không giải quyết được nguồn cung cầu thì giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng. 

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gia-vang-sjc-hom-nay-lap-ky-luc-moi-sat-86-trieu-dongluong-con-tang-den-bao-gio-a48013.html