Giá vé máy bay tăng cao, lợi nhuận của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Pacific Airlines đồng loạt 'cất cánh'

Trong bối cảnh giá vé cao, bay quốc tế phục hồi, nhiều hãng hàng không cải thiện doanh thu hàng chục phần trăm so với năm ngoái, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này “cất cánh” trong ba tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, nhiều hãng hàng không nội địa ghi nhận tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp hàng không ồ ạt báo lãi

Ba tháng qua, cả doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines đều đạt kỷ lục trong bối cảnh thị trường hồi phục. Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Doanh thu cao cộng hưởng với việc các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của hãng bay này. Vietnam Airlines tạm nhẹ gánh với khoản nợ của Pacific Airlines khi công ty này được xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.

Nhờ khoản thu kỷ lục này, hãng hàng không quốc gia lần đầu ngắt mạch lỗ sau 16 quý liên tiếp. Kết thúc quý I, hãng lãi hợp nhất sau thuế 4.441 tỷ đồng, riêng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận 1.500 tỷ đồng.

Giá vé máy bay tăng cao, lợi nhuận của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Pacific Airlines đồng loạt 'cất cánh'- Ảnh 1.

Không chỉ Vietnam Airlines, một ông lớn ngành hàng không khác là Vietjet cũng cải thiện doanh thu trong quý I năm nay. 

Doanh thu hợp nhất của hãng này đạt hơn 17.790 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Vietjet cũng cao gấp ba lần so với quý I năm ngoái, đạt gần 540 tỷ đồng. Con số này cũng là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp đạt được, từ đầu năm 2020.

Một hãng bay khác cũng lần đầu ghi nhận kết quả kinh doanh "cất cánh" là Pacific Airlines. Đây là quý đầu tiên sau đại dịch Covid-19 đơn vị thành viên của Vietnam Airlines có lãi.

Tương tự, tân binh ngành hàng không là Viettravel Airlines cũng ghi nhận khoản doanh thu tăng mạnh trong quý đầu năm nay. Theo đó, kể từ khi hoạt động vào năm 2021, doanh nghiệp này lần đầu ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 10 tỷ đồng trong ba tháng liền.

Lợi nhuận hãng bay "cất cánh" do đâu?

Doanh thu của các hãng nội địa tăng mạnh vào những tháng đầu năm diễn ra trong cao điểm Tết, khi giá vé neo cao chót vót với một số chặng nóng. Việc tăng giá trần vé máy bay từ 1/3 với mức 3,75%-6,67% trên các chặng nội địa, cộng với việc thiếu tàu bay do bảo dưỡng động cơ khiến vé đắt đỏ và khan hiếm. Thậm chí, tình trạng vé cao không chỉ trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán mà còn kéo dài đến cả tháng sau đó.

Mặt khác, các hạng vé giá rẻ 0 đồng, 9.000 đồng, 14.000 đồng, 99.000 đồng... để kích cầu du lịch cũng gần như biến mất từ đầu năm nay, khi giá trần vé máy bay bị áp, du lịch dần hồi phục và các hãng hàng không cần tăng trưởng để bù đắp nguồn thu giai đoạn sau đại dịch.

Giá vé máy bay tăng cao, lợi nhuận của Vietnam Airlines, Vietjet Air và Pacific Airlines đồng loạt 'cất cánh'- Ảnh 2.

Một nguyên nhân khác giúp doanh nghiệp hàng không cải thiện doanh thu đến từ việc thị trường quốc tế hồi phục. Sau 3 năm bị đại dịch gây ảnh hưởng, các hãng hàng không đang co kéo nguồn lực để cân đối hiệu quả giữa đường bay nội địa và quốc tế. Từ quý cuối năm 2023 đến nay, một số hãng giảm tần suất hoặc cắt các đường bay nội địa ít khách để dồn lực bay nước ngoài.

Cụ thể, trong quý I vừa qua, doanh thu vận tải hàng không quốc tế tại Vietnam Airlines đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so sánh cùng kỳ 2023. Tỷ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không của hãng này tăng gấp 3 lần so với vùng đáy vào năm 2021. Tỷ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế cũng đã tiệm cận mức trước đại dịch.

Nhu cầu cao trong khi nguồn co hẹp cũng khiến người dân ít lựa chọn hơn, nhưng ngược lại, các doanh nghiệp tối ưu được lợi nhuận. Vừa qua, Bamboo Airways phải cắt giảm loạt đường bay và đội tàu. Trong khi, Pacific Airlines cũng trả lại tàu bay. Điều này khiến hãng hàng không quốc gia gần như ôm trọn thị phần nội địa phân khúc cao, còn vé giá thấp thuộc về Vietjet.

Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỉ USD trong năm 2024.

Báo cáo phân tích ngành hàng không của Yuanta cho rằng các hãng hàng không đang đứng trước cơ hội phục hồi và gia tăng lợi nhuận khi thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng so với thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục và trở lại.

"Dự báo thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024", báo cáo phân tích viết.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gia-ve-may-bay-tang-cao-loi-nhuan-cua-vietnam-airlines-vietjet-air-va-pacific-airlines-dong-loat-cat-canh-a48034.html