Khổ vì chồng chéo quy hoạch đô thị

Kết quả thanh tra tại nhiều quận, huyện của TPHCM đã cho thấy ngoài vấn đề nan giải về quy hoạch “treo”, còn tình trạng chồng chéo giữa quy hoạch mới và cũ, dẫn đến nhiều bất cập. Hệ quả, người dân chịu thiệt thòi nhất khi nhiều quyền lợi bị hạn chế.


Khổ vì chồng chéo quy hoạch đô thị- Ảnh 1.

TPHCM quyết liệt cưỡng chế, tháo dỡ nhiều công trình xây dựng sai phép, không phép. Ảnh: H.Phúc.

Đồ án quy hoạch “ngâm” kéo dài

Quận Bình Tân là quận được thành lập khoảng hơn 20 năm qua, trên cơ sở tách ra từ một phần địa giới của huyện Bình Chánh (cũ). Theo quy định, kỳ rà soát điều chỉnh đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 là 5 năm một lần. Việc bố trí vốn cho công tác quy hoạch xây dựng tại quận này phải được đăng ký thông qua Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) TPHCM để lập danh mục mới bằng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp và phải được UBND TP chấp thuận chủ trương và giao vốn thực hiện. Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra TPHCM đã chỉ ra một loạt các bất cập trong công tác quy hoạch của quận Bình Tân.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2022 quận lập, thẩm định và trình duyệt điều chỉnh đối với 8 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, có 2 đồ án (Tây Bình Trị Đông và Ngã ba An Lạc) đã kéo dài thời gian lập nhiệm vụ của công ty tư vấn; 1 đồ án chưa được UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, sai trình tự thủ tục. Có đồ án kéo dài thời gian lập đồ án của công ty tư vấn, không đảm bảo thời gian theo quy định của Nghị định số 37/2010 của Chính phủ. Ngay cả đối với các dự án đã được UBND quận Bình Tân quy hoạch chi tiết 1/200 trong giai đoạn 2015-2022 nhưng hiện trạng còn 4/8 dự án chưa triển khai thực hiện cho đến nay, gồm: Dự án Thịnh Phát, dự án 561 An Dương Vương, dự án Phú Tân và Dự án 17,7 ha.

Không chỉ riêng quận Bình Tân, tại quận 5 có 4 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 và 2 đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 trong giai đoạn 2015-2022. Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM vào cuộc thanh tra, đã phát hiện quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch của UBND quận 5 còn không ít bất cập. Trong đó, UBND quận này đã không thực hiện khâu lấy ý kiến cộng đồng dân cư thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng, là chưa đúng với qui định của Luật Quy hoạch đô thị (năm 2009). Đối với 4 đồ án quy hoạch phân khu liên phường cũng chưa được phê duyệt, đồng thời chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất không đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng…

Tương tự, tại quận Bình Thạnh khi Thanh tra TPHCM vào cuộc thanh tra công tác quản lý, sử dụng nhà, đất do nhà nước quản lý và công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Kết luận thanh tra xác định, Phòng Quản lý Đô thị của quận Bình Thạnh có trách nhiệm trong quá trình tham mưu cấp hơn 100 giấy phép xây dựng, giấy phép cải tạo sửa chữa, giấy xác nhận điều chỉnh không đúng quy định. Thậm chí, còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý để các đối tượng làm dịch vụ, thủ tục giấy phép xây dựng khi lập hồ sơ kiểm định chất lượng công trình… dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng công trình và quyền lợi của người dân.

Công trình vi phạm như “nấm sau mưa”

Tình trạng quy hoạch treo, chồng lần các dự án quy hoạch, khiến công trình sai phép tại nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức mọc lên như “nấm sau mưa”. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, trong số 488 địa chỉ nhà đất công trên địa bàn quận Bình Tân đã phát hiện đến hơn 40 đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà chưa được UBND TPHCM phê duyệt đề án. Trong khi đó, quận này cũng báo cáo thành phố chưa đúng diện tích trong quy hoạch đối với một số khu đất và hiện trạng các mặt bằng đất công theo quy định. Đáng chú ý, nhiều công trình trong khu quy hoạch 1/500 cấp phép trên địa bàn quận Bình Tân bị Thanh tra TPHCM phát hiện không đúng quy hoạch, sai nhà mẫu được phê duyệt. Một số cá nhân bị phát hiện sử dụng chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, cần chuyển cơ quan điều tra làm rõ.

Đó là chưa kể, quá trình thanh tra đã phát hiện hàng chục công trình, biệt thự xây trái phép trên đất trồng cây lâu năm. Đồng thời, nhiều trường hợp do phát hiện chậm dẫn đến quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Tại TP Thủ Đức, Thanh tra TP Thủ Đức (TPHCM) khi vào cuộc thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại UBND phường Long Phước (giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023) cũng đã báo cáo 11 trường hợp công trình xây dựng không phép, lấn chiếm đang xử lý nhưng qua thanh tra, đoàn thanh tra phát hiện thêm hàng chục công trình vi phạm khác mà phường không phát hiện, không kịp thời xử lý. Qua công tác thanh tra, Thanh tra TP Thủ Đức cũng đã chỉ rõ trách nhiệm những khuyết điểm, vi phạm trên địa bàn thuộc về UBND phường Long Phước, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường được phân công phụ trách địa bàn; cán bộ Đội Thanh tra địa bàn. Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, UBND phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) trong các năm 2021 và 2022 cũng đã tham mưu trình Phòng Quản lý Đô thị TP Thủ Đức hàng chục hồ sơ lập phương án cưỡng chế, trong đó nhiều phương án đã được phê duyệt tổ chức thực hiện vận động và cưỡng chế.

Đây cũng là địa bàn nổi cộm của TPHCM về tình trạng hàng loạt công trình biệt thự xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch….Dù các cơ quan chức năng hai cấp đã vào cuộc quyết liệt, kết luận vi phạm, thế nhưng quá trình triển khai cưỡng chế cũng còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/kho-vi-chong-cheo-quy-hoach-do-thi-a48138.html