Xác định 5 hành lang kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc

Theo quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc được chia thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu vực động lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

Theo Quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế , 3 vành đai phát triển và 1 khu vực động lực.

Xác định 5 hành lang kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc- Ảnh 1.

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Cụ thể, 5 hành lang kinh tế của vùng được định hướng phát triển, gồm:

Hành lang kinh tế Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc.

Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Nam Ninh vùng Đông Nam Trung Quốc; từng bước hình thành trung tâm thương mại, trung chuyển liên vùng và quốc tế, gắn với xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng.

Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội gắn với tiểu vùng Tây Bắc, kết nối với Lào và các nước ASEAN; liên kết các đô thị và các trung tâm du lịch tiểu vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và tiểu vùng Bắc Trung Bộ, thúc đẩy phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc tiểu vùng Tây Bắc.

Hành lang kinh tế Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nam Trung Quốc. Kết nối các trung tâm du lịch của vùng và quốc gia, thúc đẩy phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc tiểu vùng trung tâm.

Hành lang kinh tế Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Trùng Khánh và vùng Đông Nam Trung Quốc.

Xác định 5 hành lang kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc- Ảnh 2.

Phát triển mạng lưới giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu trong Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Về mạng lưới giao thông, Quy hoạch nêu rõ các mục tiêu, như đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh .

Thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); triển khai xây dựng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên , cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng và nâng cấp các tuyến đường bộ khác khi có điều kiện về nguồn vốn.

Cùng với đó, xây dựng tuyến cao tốc kết nối Sơn La với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (cao tốc Sơn La - Yên Bái), tuyến đường bộ kết nối tiểu vùng Tây Bắc với tiểu vùng Bắc Trung bộ (tuyến Hòa Bình - Ninh Bình) trước năm 2030 khi được điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia…

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/xac-dinh-5-hanh-lang-kinh-te-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-a48195.html