Dấu ấn “con đường tiền tệ”
Vượt qua giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với dấu ấn đi từ “ngân hàng không khóa”, những “kho tiền nằm trong nhân dân” đến đoàn công tác 452 cán bộ ngành Ngân hàng B68 lên đường chi viện cho chiến trường miền Đông Nam bộ, cùng những chiến sĩ ngân hàng hoạt động bí mật đã lập nhiều chiến công, kỳ tích tuy thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, tạo nên một con đường huyền thoại - “con đường tiền tệ” chi viện nguồn lực tài chính cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.
Từ năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc kinh tế đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới, hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành. Sự chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống hai cấp và đặc biệt việc ra đời của 2 Pháp lệnh Ngân hàng là những dấu ấn quan trọng, để từ đó đến nay, NHNN đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước.
Sau sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt, NHNN với vai trò NHTW đã có bước trưởng thành vượt bậc trong hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp yêu cầu thực tiễn. Việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá, nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc... ngày càng đồng bộ, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn hơn theo nguyên tắc thị trường. Điều hành chính sách của NHNN trong giai đoạn này đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, gia tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Song trong quá trình này, ngành Ngân hàng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài từ năm 2008; đặc biệt từ khi đại dịch toàn cầu Covid-19 xảy ra kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế doanh nghiệp khó khăn, khả năng suy yếu, sức hấp thụ vốn giảm, nguy cơ nợ xấu tăng… Đối với nền kinh tế Việt Nam, vốn ngân hàng vẫn là chủ lực chiếm hơn 130% GDP thì sức ép lên vai ngành Ngân hàng lại càng lớn, bởi không những vừa đáp ứng đủ nguồn vốn với chi phí hợp lý, mà còn phải đảm bảo chất lượng khoản vay, an toàn cho toàn hệ thống.
Nhưng vượt lên tất cả, bằng bản lĩnh vững vàng được tôi luyện qua các thời kỳ, ngành Ngân hàng tiếp tục “vững tay chèo”, luôn tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế bằng những chính sách, hành động quyết liệt, mạnh mẽ. Đơn cử như, NHNN đã kịp thời giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Sự điều hành chắc chắn, linh hoạt, chủ động thể hiện qua việc chỉ riêng năm 2023, NHNN đã mạnh dạn giảm tới 4 lần lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất của NHTW các nước trên thế giới neo cao, hỗ trợ các TCTD đưa mặt bằng lãi suất cho vay mới trở về mức trước dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2024, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm thêm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Song song với đó, NHNN ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn cho người dân, doanh nghiệp như ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi các khoản vay. Hiện NHNN mạnh dạn cho phép kéo dài hiệu lực Thông tư 02 thêm 6 tháng đến hết năm 2024 để tạo điều kiện tiếp tục vay vốn khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội…
Đảm bảo dòng vốn ngân hàng chảy thông suốt
Nhờ các chính sách quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo nên dù trong bất cứ thời kỳ nào, trong mọi hoàn cảnh, hệ thống ngân hàng cũng đảm bảo dòng vốn ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - thông suốt. Minh chứng đến tháng 2/2024, dư nợ nền kinh tế lên tới hơn 13,467 triệu tỷ đồng trong khi năm 1991 dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng mới chỉ “vỏn vẹn” 10,1 nghìn tỷ đồng. Con số trên đã nói lên tất cả, trong 73 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Đổi mới, ngành Ngân hàng đã cung ứng một lượng vốn khổng lồ không chỉ ngắn hạn mà cả trung, dài hạn cho đầu tư phát triển nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế trong các thời kỳ. Dòng vốn đó luôn được điều tiết liều lượng, đến đúng địa chỉ mà nền kinh tế, đất nước đang cần, qua đó đã đóng góp quan trọng tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn là một điểm sáng trong bức tranh nhiều gam màu xám của kinh tế toàn cầu trong 5 năm qua.
Không chỉ đảm bảo dòng vốn được thông suốt, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì vị thế đồng VND, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước… Uy tín của hệ thống ngân hàng không chỉ được ghi nhận ở trong nước mà đã vươn tầm thế giới. Đến năm 2024, 15 ngân hàng Việt Nam đã góp mặt trong top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu; Các ngân hàng Việt liên tục được các tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế như Moody’s, S&P, Fitch nâng hạng tín nhiệm...
Những thành tựu trong 73 năm qua của ngành Ngân hàng được Đảng, Nhà nước, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài ghi nhận. Song, triển vọng kinh tế thế giới còn nhiều bất trắc khó lường, chắc chắn sẽ tác động tới tình hình kinh tế, tiền tệ của Việt Nam. Chưa kể những khó khăn nội tại vẫn chưa được giải quyết triệt để nên đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Để hóa giải khó khăn thách thức trên, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, mong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng phát huy mạnh mẽ hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp để cùng đồng hành, chia sẻ và nỗ lực, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phó, đóng góp tích cực hơn nữa vào thành tựu chung của đất nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế ngành Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, thời gian tới, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu theo Luật định, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để linh hoạt trong điều hành, hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế nếu dự báo lạm phát không vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra; Đồng thời theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế trong và ngoài nước để có các công cụ, giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ; Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn; Rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các Thông tư phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước; Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, với lãi suất hợp lý; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam:
Chính sách tiền tệ chuyển hướng kịp thời, giúp nền kinh tế quay lại quỹ đạo phục hồi
Chúng tôi cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong 2 năm 2022 - 2023 rất khéo léo và phù hợp. Thời điểm năm 2022, khi bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid, chính sách tiền tệ của chúng ta lúc đó đang tiếp tục thúc đẩy cho tăng trưởng. Nhưng khi kinh tế thế giới, khu vực đều có những biến động (lạm phát cao, lãi suất cao…) Việt Nam đã điều hành chính sách rất tốt, trong đó có tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên ngay khi có những dấu hiệu khó khăn và tăng trưởng chậm lại thì chúng ta cũng điều chỉnh chính sách, từ thắt chặt để kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.
Các biện pháp được thực hiện tương đối nhanh và dứt khoát. Đơn cử trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2023, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất chính sách. Các mức lãi suất như hiện nay đã được duy trì từ tháng 6/2023 và chúng ta cũng nhìn thấy được tăng trưởng GDP phục hồi cũng bắt đầu từ quý III/2023. Tôi cho rằng điều hành chính sách tiền tệ như thế là rất khéo léo và phù hợp. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã cản trở tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023, sự chuyển hướng kịp thời sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng là một trong những biện pháp then chốt giúp nền kinh tế quay lại quỹ đạo phục hồi.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) công bố tháng 4 vừa qua dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 6,0%, trong khi dự kiến lạm phát cũng tăng lên mức 4%. Sự phục hồi tương đối toàn diện và ổn định của các ngành, các động lực tăng trưởng, cùng với đó là sự phối hợp tốt các công cụ chính sách được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.
Trong điều hành vĩ mô, hai công cụ chính là tài khóa và tiền tệ, gắn với đó là cách thức phối hợp sao cho hiệu quả giữa chúng. Nhìn vào bối cảnh cụ thể của năm nay, tôi cho rằng chính sách tài khóa cần được ưu tiên. Bởi chính sách tiền tệ - với mặt bằng lãi suất như hiện nay - đã hỗ trợ tốt cho tăng trưởng, mặt khác không gian chính sách để tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa gần như không còn.
Một dẫn chứng cho điều này là dù lãi suất đang ở các mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tăng trưởng tín dụng thời gian qua vẫn chưa cải thiện nhiều, cho thấy nhu cầu, sức hấp thu tín dụng của các doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh. Điều này thể hiện tăng trưởng chậm của đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Do đó, chính sách tiền tệ như hiện nay là tốt, nhưng cần đi kèm với tài khóa để thúc đẩy cầu nội địa, tạo ra được hoạt động sôi động trở lại trong thị trường hàng hóa, dịch vụ và từ đó sẽ tạo ra được nhu cầu tín dụng tăng lên của người dân và doanh nghiệp.
Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam:
NHNN đã phản ứng nhanh trước thay đổi của các yếu tố bên ngoài
Nền kinh tế Việt Nam chững lại đáng kể trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ 8% năm 2022 xuống chỉ còn 5%. Trong điều kiện lạm phát giảm và tăng trưởng yếu đi. NHNN đã giảm lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn tổng cộng ở mức 150 - 200 điểm cơ bản qua 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành liên tục từ tháng 3 đến tháng 6/2023 xuống tương ứng còn 3% và 4,5%. Trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm tương ứng nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp vốn vay mới rẻ hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân. Trong năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại giảm 360 điểm cơ bản xuống còn 5,1%, còn lãi suất cho vay mới giảm trên 200 điểm cơ bản xuống bình quân còn 6,7% (theo báo cáo của NHNN). Bên cạnh đó là các nỗ lực nhằm đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cũng như triển khai chương trình tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng với đó, NHNN phục hồi dự trữ ngoại hối đồng thời đảm bảo ổn định tỷ giá. Thặng dư tài khoản vãng lai lớn và nhờ đó cán cân thanh toán thặng dư, giúp nâng dự trữ ngoại hối từ mức 87,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 lên 93,3 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu. Các cấp có thẩm quyền tiếp tục áp dụng biên độ tỷ giá linh hoạt hơn (+5/-5%) xoay quanh tỷ giá trung tâm, đồng thời thực hiện điều chỉnh nhỏ hơn nhưng thường xuyên hơn với tỷ giá song phương danh nghĩa của cặp VND/USD để đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối. Kết quả là, tỷ giá danh nghĩa VND/USD tăng 2,2% năm 2023. Tỷ giá tiếp tục tăng trong quý I/2024, nhưng vẫn nằm trong biên độ chính sách +5/-5% của NHNN.
Trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi ổn định khu vực tài chính vẫn cần phải là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,5% trong năm nay và các chính sách hỗ trợ cần được tiếp tục duy trì, nhất là với chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Trong các biện pháp về tài khóa, việc tiếp tục đẩy nhanh triển khai đầu tư công vừa là cách để giúp hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Ông Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế:
Điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng
Ngân hàng là một trong những ngành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp thúc đẩy dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế quốc dân.
Điều đó được thể hiện rõ nét trong quá trình đổi mới. Theo đó ngân hàng với vai trò điều hòa hoạt động của nền kinh tế đó đảm bảo cho quá trình luân chuyển của dòng vốn được hài hòa. Từ đó tạo điều kiện ổn định tiền tệ, tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở ổn định và bền vững để thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình. Việc điều hành tiền tệ trong nền kinh tế dần dần đã trở thành một nghệ thuật, vận dụng hết được công cụ và các khía cạnh của chính sách tài chính tiền tệ để giúp cho nền kinh tế có thể ổn định được những cân đối vĩ mô và hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Đặc biệt trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, chính sách tài chính tiền tệ đã dần đi vào thực chất và chúng ta đã cố gắng giữ vững giá trị của đồng Việt Nam. Trên cơ sở ổn định tiền tệ và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam lạm phát được kìm giữ và kéo xuống ở mức tương đối thấp và trong những năm qua, thường ở mức 4%.
Việc thực hiện đường lối ổn định tiền tệ và nâng cao giá trị đồng Việt Nam cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng đã góp phần giúp cho việc cân đối vĩ mô tốt hơn, tạo được niềm tin người dân và doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ngân hàng cũng là ngành chịu khó học hỏi kinh nghiệm cũng như tạo mọi điều kiện để vận dụng khoa học vào hệ thống của mình. Điều đó đã giúp đa dạng hóa hoạt động ngân hàng và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng, mở rộng được hàng hóa phục vụ xã hội và các hoạt động kinh tế.
Thời gian qua, chuyển đổi số ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Các hạ tầng dùng chung như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia... thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số.
NHNN đã tích cực xây dựng phương án, triển khai kết nối, khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử (VNeID). Nhiều TCTD đã và đang triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích và đáp ứng được nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được triển khai rộng rãi, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách nhà nước... Các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn.