Xuất khẩu hồ tiêu tăng
Tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 83.067 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 73.555 tấn, tiêu trắng đạt 9.512 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 352,0 triệu USD, tiêu đen đạt 298,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 54 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm 19,4%, tuy nhiên kim ngạch lại tăng 10,3%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 4 tháng đạt 4.065 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.678 USD/tấn, tăng lần lượt 19,4% đối với tiêu đen và 14,5% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Công Thương Olam Việt Nam là doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 đạt 8.359 tấn, so cùng kỳ năm 2023 tăng 55,1% và chiếm 10,1% thị phần xuất khẩu. Tiếp theo là các doanh nghiệp Nedspice Việt Nam đạt 7.091 tấn, tăng 25,7%; Trân Châu đạt 6.085 tấn, giảm 15,1%; Liên Thành đạt 5.321 tấn, tăng 76,1% và Haprosimex JSC đạt 5.318 tấn, tăng 24,0%.
Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm 89,3% và tăng 26,9% trong khi các doanh nghiệp ngoài VPSA xuất khẩu giảm 80,1% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Nedspice Việt Nam đạt 1.564 tấn; Olam Việt Nam đạt 1.383 tấn; Phúc Sinh đạt 766 tấn; Liên Thành đạt 676 tấn và Trân Châu đạt 582 tấn.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam chiếm 27,4%, đạt 22.774 tấn và so cùng kỳ tăng 45,2%. Tính chung, xuất khẩu sang cả khu vực châu Mỹ tăng 40,6% và chiếm 30,2% thị phần xuất khẩu.
Xuất khẩu sang châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 36,2%, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 52,0%, trong đó, thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhất 95,2%, UAE giảm 23%. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại khu vực châu Á 5.552 tấn, chiếm 6,7% và tăng 23,9 so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng tăng ở Hàn Quốc, tăng 157,4%; Pakistan tăng 59,7% và Philippines tăng 18,5%.
Khu vực châu Âu chiếm 26,8% thị phần xuất khẩu và so cùng kỳ năm ngoái tăng 33,6% trong đó đứng đầu là các thị trường gồm: Đức đạt 5.484 tấn, tăng 104,7%; Hà Lan đạt 3.660 tấn, tăng 52,8%, Nga đạt 2.386 tấn, tăng 68,7%.
Trong khi đó, tại khu vực châu Phi ghi nhận lượng xuất khẩu giảm 4,7%. Tuy nhiên, thị trường truyền thống Ai Cập đang có dấu hiệu tích cực khi lượng xuất khẩu sang thị trường này tăng 10,7%, đạt 1.977 tấn sau khi chính phủ nước này đã có những hỗ trợ về ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Ở thị trường trong nước giá tiêu hôm nay (7/5) tại các vùng trồng trọng điểm trong nước ổn định. Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk ổn định ở mức 103.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai ở mức 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại tỉnh Đắk Nông ở mức 104.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai ở mức 103.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 103.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước ở mức 104.000 đồng/kg.
Dự báo cán mốc 1 tỷ USD
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Đại Đoàn Kết, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, yếu tố tác động tích cực lên giá hồ tiêu thời gian vừa qua đến từ nguồn cung trên thế giới hạn chế do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây giảm sản lượng toàn cầu, trong đó có 2 quốc gia trồng hồ tiêu lớn nhất là Việt Nam và Brazil.
Đánh giá xu hướng thị trường, bà Liên cho rằng bắt đầu từ quý II/2024, thị trường Trung Quốc sẽ có dấu hiệu tham gia vào các mặt hàng tiêu trắng và tiêu đen. Điều này kỳ vọng tạo cú huých giúp giá tiêu trong nước vượt mốc 100.000 đồng/kg trong quý II tới.
Đặc biệt quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vụ 2023-2024 tăng khoảng 5% so với 2022. Vụ mùa hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.
Đáng chú ý nhìn lại lịch sử xuất khẩu hồ tiêu cho thấy, năm 2016 ngành hồ tiêu xuất khẩu 176,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 1,422 tỷ USD. Năm 2017, xuất khẩu được 214 nghìn tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,11 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2018, ngành hồ tiêu đã để mất mốc 1 tỷ USD, khi giảm xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD. Năm 2021 đạt 948,7 triệu USD; năm 2022 đạt 963 triệu USD. Kết thúc năm 2023, giá hồ tiêu xuống thấp khiến mục tiêu xuất khẩu tỷ USD lại lỡ hẹn, chỉ đạt 912 triệu USD.
Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ cũng là khách hàng lớn của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam đã vươn lên là nhà cung cấp hàng đầu đối với sản phẩm hồ tiêu vào thị trường này với hơn 54.000 tấn, chiếm 21%. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 912 triệu USD, xấp xỉ 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York chia sẻ với VTV, năm 2023 là một năm thành công của ngành hạt tiêu xuất khẩu Việt Nam. Việt Nam đã vượt qua các cường quốc xuất khẩu hạt tiêu khác như Trung Quốc, Ấn Độ để dẫn đầu thế giới cũng như dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là kết quả tích cực, động viên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Có nhiều yếu tố dẫn tới thành công của Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ nhưng nhìn chung có hai yếu tố cơ bản: Thứ nhất, chất lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu. Thứ hai, giá cả của hạt tiêu Việt Nam cũng tương đối cạnh tranh so với các cường quốc xuất khẩu hạt tiêu khác.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/xuat-khau-ho-tieu-tang-manh-co-hoi-can-moc-1-ty-usd-a48445.html