Đâu là nguyên nhân khiến bất động sản phía Tây liên tục thiết lập mặt bằng giá mới

Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện cung quy hoạch 2 thành phố mới tại phía Tây là những lực đẩy giúp thị trường bất động sản tây Hà Nội bứt phá, trở thành cực tăng trưởng lớn nhất Thủ đô trong thời gian qua.

Kể từ sau Tết, bất động sản phía Tây bỗng tăng nóng trở lại. Làn sóng tăng giá đầu tiên bắt đầu từ dự án căn hộ Lumi của Capitaland. Mặc dù, dự án này vừa ra mắt nhưng đã thiết lập mặt bằng giá căn hộ mới cho khu vực Nam An Khánh – Bắc An Khánh khi công bố mức giá từ 65-80 triệu đồng/m2. Trước đó, một dự án căn hộ chung cư cũng phá kỷ lục giá bán căn hộ khu phía Tây là chung cư Masteri Lumière Riverside nằm trong khu đô thị Vinhomes Smart City khi có giá bán chạm ngưỡng 100 triệu đồng/m2.

Đâu là nguyên nhân khiến bất động sản phía Tây liên tục thiết lập mặt bằng giá mới- Ảnh 1.

Chung cư, biệt thự phía Tây liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Trong khi phân khúc căn hộ tăng thì giá bán phân khúc thấp tầng cũng không hề kém cạnh khi tăng mạnh ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Cụ thể, ở thị trường thứ cấp các căn biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh, Geleximco, Thiên Đường Bảo Sơn (Nam An Khánh)…trước tết có giá khoảng 90 -100 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 110 – 120 triệu đồng/m2. Biệt thự Ha Do Charm Villa cũng ghi nhận mức tăng từ 110 triệu đồng/m2 lên mức 140 triệu đồng/m2.

Tại thị trường sơ cấp biệt thự Solasta Mansion (Dương Nội) mới ra mắt thị trường cũng ghi nhận mức giá khoảng từ 150 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nếu trừ đi các chính sách chủ đầu tư đang áp dụng như chiết khấu 11% cho khách hàng thanh toán theo tiến độ, hỗ trợ lãi suất lên đến 36 tháng hay phần quà bốc thăm trúng thưởng chuyến du lịch nước ngoài, xe Mercedes Benz thì hiện tại giá trần của Solasta Mansion hiện ở mức mềm hơn khoảng từ 140 triệu đồng/m2.

Đâu là nguyên nhân khiến bất động sản phía Tây liên tục thiết lập mặt bằng giá mới- Ảnh 2.

Biệt thự phía Tây hiện có giá từ 150 triệu đồng/m2.

Nhận định về mức giá bất động sản phía Tây không ngừng tăng trong vòng 1 năm qua, giới đầu tư sành sỏi cho biết ngoài tác động chung từ thị trường bất động sản đang ấm lên thì hạ tầng chính là đòn bẩy khiến giá bất động sản phía Tây tăng chóng mặt. Thậm chí, thực tế cho thấy mức tăng ở phân khúc thấp tầng phía Tây mạnh hơn so với các khu vực khác từ 5-10%.

Quan sát cho thấy, những năm gần đây phía Tây được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ với hệ thống hạ tầng linh hoạt và đồng bộ. Cùng với các tuyến đường giao thông lớn đã hình thành như Đại Lộ Thăng Long, đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu - Lê Văn Lương... hiện các dự án phía Tây Hà Nội còn "đón sóng" đầu tư khi tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài (đoạn từ đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, đến vị trí ranh giới Khu ĐTM Dương Nội, quận Hà Đông) đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 01/4 vừa qua và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2024.

Cùng với đó, dự án đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long có tổng đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng đã được khởi công trong quý II/2023. Đường vành đai 4 đã bước vào giai đoạn triển khai, dự kiến đi vào hoạt động năm 2027. Đây là 2 dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội góp phần thay đổi diện mạo khu vực phía Tây và kết nối các tuyến đường Bắc - Nam.

Chưa hết, mới đây thành phố Hà Nội cũng vừa thông qua chủ trương triển khai tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc), có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến là 38,43 km. Khi tuyến đường sắt hoàn thành dự kiến vào năm 2025 sẽ giúp diện mạo phía Tây thêm khởi sắc.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự phát triển vượt bậc của hạ tầng khu vực phía tây đã tạo nên cực tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường bất động sản phía Tây trong 10 năm qua và 10 năm sắp tới. Bởi theo định hướng đến năm 2050, khu vực phía Tây sẽ có thêm hai thành phố trực thuộc là thành phố Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc và Thành phố Du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì.

Đâu là nguyên nhân khiến bất động sản phía Tây liên tục thiết lập mặt bằng giá mới- Ảnh 3.

Thị trường bất động sản nhà ở phía Tây được dự báo phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới.

Nhận xét về tốc độ phát triển phía Tây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam khẳng định đây là khu vực đang đứng bậc nhất Hà Nội về hạ tầng lẫn phát triển kinh tế xã hội. Khu vực này hội đủ các yếu tố như: tập trung nhiều cơ quan Bộ ngành, tập trung lượng lớn công ty, văn phòng, trường Đại học, Cao đẳng… với nhu cầu nhà ở lớn. Hơn nữa, theo "Đồ án Quy hoạch lớn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050", Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm như xu hướng chung của các thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, phía Tây được quy hoạch là trung tâm hành chính, thương mại mới.

Chị Phạm Việt Hà, Giám đốc sàn phân phối bất động sản cao cấp tại Hà Nội nhận định ba năm trở lại đây đang có một sự dịch chuyển ấn tượng trên thị trường bất động sản thấp tầng phía Tây. Giá nền biệt thự, liền kề khu vực phía Tây còn khá thấp so với phía Đông nhưng ngược lại hạ tầng thuận tiện, vị trí ngay gần trung tâm mới Mỹ Đình nên đã gia tăng làn sóng người giàu đổ về mua biệt thự, sửa sang và chuyển về sinh sống.

Có thể thấy, phía Tây Hà Nội từng là tâm điểm về phát triển của Hà Nội những năm 2010 thì sau 10 năm khu vực này đang lấy lại vị thế "dẫn đầu". Quỹ đất rộng cộng với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội phát triển vượt bậc đang hút lượng lớn trí thức, nhà giàu về khu vực này sinh sống. Bộ mặt phía Tây Hà Nội đang đổi thay hàng ngày cùng với sự chuyển dịch cơ cấu dân số. Đây cũng là lực đẩy cho thị trường bất động sản nhà ở phía Tây phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/dau-la-nguyen-nhan-khien-bat-dong-san-phia-tay-lien-tuc-thiet-lap-mat-bang-gia-moi-a48460.html