Khi Nhật Bản phải đối mặt với một xã hội già hóa với tỉ lệ sinh giảm, việc vận hành các thiết bị có người lái sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, việc đào tạo thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm sẽ trở thành vấn đề thách thức, đồng thời việc duy trì số lượng tàu có thể trở nên nan giải.
Vì vậy, “xứ sở mặt trời mọc” hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các loại phương tiện dưới nước không người lái (UUV) như một sự bổ sung cho khả năng phòng thủ dưới nước trong tương lai.
Tại một cơ sở thử nghiệm và phát triển UUV đặt tại tỉnh Yamaguchi, miền Nam Nhật Bản, Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần của Nhật Bản (ATLA) đã cho Naval News “mục sở thị” mẫu UUV ngoại cỡ mới của mình, vốn vẫn đang ở giữa giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D).
Có tên gọi Long Endurance (Bền Bỉ), mẫu XLUUV này ra mắt lần đầu tiên tại sự kiện quốc phòng quy mô lớn Triển lãm DSEI Japan 2023. Nó được chế tạo bởi gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Mitsubishi Heavy Industry (MHI) và đang được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Hải quân, một bộ phận của ATLA.
UUV có dạng module, bao gồm “phần đầu” mang hệ thống điều khiển, “phần năng lượng” mang nguồn điện và “phần đuôi” mang hệ thống đẩy. Đây là cấu hình cơ bản, các module tải trọng bổ sung có thể mang nhiều loại thiết bị có thể được kết hợp để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Đúng như tên gọi “Bền Bỉ”, XLUUV này có thể hoạt động tự chủ trong thời gian dài và hiện ở cấu hình cơ bản (dài 10 m đã đạt được 1 tuần hoạt động liên tục với tốc độ 3-4 hải lý/giờ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, ATLA muốn UUV này đạt được khả năng hoạt động liên tục lâu hơn nữa.
UUV được cung cấp năng lượng bởi pin Lithium-ion, nhưng ATLA hiện đang xem xét việc sử dụng pin nhiên liệu lỏng/rắn, AIP và/hoặc động cơ diesel-điện để đạt được phạm vi bay dài hơn.
Các module tải trọng bổ sung đang được nghiên cứu, bao gồm “module lắp đặt thiết bị dưới nước” để mang tải trọng nặng như cảm biến/nút liên lạc, “module quan sát đại dương” để mang nhiều thiết bị khảo sát hải dương học khác nhau, “module phóng bề mặt” để phóng máy bay không người lái (drone) hoặc các thiết bị khác trên bề mặt và một “module giám sát đại dương” để thực hiện nhiệm vụ Nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) một cách hiệu quả.
Hoạt động tự chủ là khía cạnh quan trọng nhất của XLUUV này, nhằm mục đích làm việc dưới nước trong thời gian dài. Do sóng vô tuyến không thể thu được dưới nước nên rất khó để kiểm soát UUV từ tàu hải quân hoặc từ đất liền, hoạt động tự chủ là cần thiết.
Đầu tiên, UUV sử dụng kết hợp Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và Tốc độ kế tuyệt đối (DVL) làm cơ chế để biết nó ở đâu. Ngoài ra, hệ thống định vị vật bằng âm thanh (sonar) thụ động được sử dụng nhằm đánh giá tình hình dưới nước và trên mặt nước, sau đó sonar chủ động được sử dụng để kiểm tra lần cuối khi tàu nổi lên.
Và đối với logic điều khiển, phần quan trọng nhất đối với hoạt động tự động, nghiên cứu đang được tiến hành trên XLUUV này bằng cách sử dụng các cơ sở thử nghiệm khổng lồ.
Cuối cùng, các module, phần mềm, v.v. đã được tiêu chuẩn hóa cho UUV khổng lồ này đạt được một kiến trúc mở. Điều này nhằm mục đích nâng cao công nghệ UUV ở cả khu vực chính phủ và tư nhân với công nghệ lưỡng dụng. Vì vậy, UUV “Bền Bỉ” cũng nhằm mục đích cải thiện toàn bộ công nghệ UUV ở Nhật Bản.
Minh Đức (Theo Naval News)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/can-canh-uuv-co-xl-cua-nhat-ban-a48541.html